TỔNG QUAN VÙNG ĐẤT, CON NGƯỜI BA VÌ

Huyện Ba Vì được thành lập ngày 26/7/1968, theo Quyết định số 120/CP của Hội đồng Chính phủ sau khi hợp nhất 3 huyện: Bất Bạt, Quảng Oai, Tùng Thiện.

Giới thiệu chung về Ba Vì

Trụ sở Huyện ủy Ba Vì

Trụ sở HĐND - UBND huyện Ba Vì

Nằm phía Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội, huyện Ba Vì có phía Đông giáp thị xã Sơn Tây; phía Nam giáp huyện Thạch Thất và tỉnh Hòa Bình; phía Tây, bên kia sông Đà giáp các huyện: Lâm Thao, Tam Nông, Thanh Thủy (tỉnh Phú Thọ); phía Bắc, qua con sông Hồng giáp huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc) và thành phố Việt Trì (tỉnh Phú Thọ). Huyện Ba Vì có tổng diện tích tự nhiên 424 km2. Thuộc vùng đất bán sơn địa, Ba Vì có địa hình thấp dần từ phía Tây Nam sang phía Đông Bắc, chia thành 3 tiểu vùng khác nhau: vùng núi, vùng đồi gò và vùng đồng bằng. Trong đó, vùng núi chiếm 46,5% diện tích toàn huyện, thuộc toàn bộ Vườn Quốc gia Ba Vì và 7 xã miền núi. Vùng đồi gò chiếm 34,7% diện tích toàn huyện. Vùng đồng bằng tương đối bằng phẳng, chiếm 18,5% diện tích toàn huyện. Huyện Ba Vì mang đặc trưng khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa. Cùng với đặc điểm tự nhiên về địa hình đã tạo cho Ba Vì có hệ sinh thái phong phú, thảm thực vật đa dạng, được coi là “lá phổi xanh” phía Tây Thủ đô Hà Nội.

Tháp báo thiên (Báo thiên bảo tháp) được xây dựng gần đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đỉnh núi Ba Vì

Huyện Ba Vì có 30 xã và 01 thị trấn, gồm: thị trấn Tây Đằng, xã Cam Thượng, xã Đông Quang, xã Chu Minh, xã Phú Châu, xã Phú Phương, xã Châu Sơn, xã Tản Hồng, xã Phú Cường, xã Cổ Đô, xã Thuần Mỹ, xã Sơn Đà, xã Tòng Bạt, xã Phú Sơn, xã Thái Hòa, xã Phong Vân, xã Phú Đông, xã Vạn Thắng, xã Đồng Thái, xã Vật Lại, xã Cẩm Lĩnh, xã Ba Trại, xã Tản Lĩnh, xã Ba Vì, xã Minh Quang, xã Khánh Thượng, xã Vân hòa, xã Yên Bài, xã Thụy An, xã Tiên Phong, xã Minh Châu. Dân số hiện nay gần 31 vạn người.

Lịch sử hình thành

Vào thời Hùng Vương dựng nước, địa bàn Ba Vì thuộc châu Phong – kinh đô của người Việt cổ. Thời kỳ nhà Lê, đời vua lê Thái Tổ, đất nước ta chia làm 5 đạo, địa bàn Ba Vì bao gồm các huyện: Minh Nghĩa, Bất Bạt, Tiên Phong thuộc Tây Đạo. Năm 1831, dưới thời vua Minh Mạng, tỉnh Sơn Tây được thành lập, là 1 trong 13 tỉnh sớm nhất ở Bắc Kỳ. Khi thành lập tỉnh Sơn tây có 05 phủ, các huyện: Minh Nghĩa (đến năm 1853 đổi là Tùng Thiện), Bất Bạt, Tiên Phong (thời Pháp thuộc đổi thành Quảng Oai) thuộc phủ Quảng Oai.

Năm 1965, tỉnh Sơn Tây sáp nhập với tỉnh Hà Đông thành tỉnh Hà Tây, các huyện: Tùng Thiện, bất bạt, Quảng Oai thuộc tỉnh Hà Tây.

Ngày 26/7/1968, Chính phủ ban hành Quyết định số 120/CP hợp nhất 3 huyện: Bất Bạt, Tùng Thiện, Quảng Oai lấy tên là huyện Ba Vì.

Ngày 27/12/1975, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa V thông qua Nghị quyết hợp nhất 02 tỉnh: Hà Tây và Hòa Bình thành tỉnh Hà Sơn Bình, huyện Ba Vì thuộc tỉnh Hà Sơn Bình.

Ngày 29/12/1978, kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa VI thông qua Nghị quyết phê chuẩn việc sáp nhập các huyện: Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Đan Phượng, Hoài Đức, thị xã Sơn Tây và thị xã Hà Đông của tỉnh Hà Sơn Bình vào thành phố Hà Nội, Huyện Ba Vì thuộc thành phố Hà Nội.

Ngày 12/8/1991, kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa VIII thông qua Nghị quyết chia tỉnh Hà Sơn Bình thành 02 tỉnh: Hà Tây và Hòa Bình; chuyển thị xã Sơn Tây và 05 huyện: Hoài Đức, Phúc Thọ, Đan Phượng, Ba Vì, Thạch Thất Hà Nội về tỉnh Hà Tây. Ngày 01/10/1991, tỉnh Hà Tây được tái lập và chính thức đi vào hoạt động. Huyện Ba Vì thuộc tỉnh Hà Tây.

Thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội “Về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan”, ngày 01/8/2008, tỉnh Hà Tây sáp nhập với thành phố Hà Nội, Ba Vì thuộc thành phố Hà Nội.

Truyền thống Văn hóa – Khoa bảng

Truyền thống Văn hóa: Ba Vì là vùng đất cổ, có truyền thống văn hóa lâu đời, mang đặc trưng của các dân tộc Kinh, Mường, Dao và một số dân tộc khác. Nét đẹp của mỗi dân tộc được thể hiện qua trang phục, ẩm thực, phong tục tín ngưỡng…

Đồng bào Dao Ba Vì là nhóm Dao Quần Chẹt, cư trú theo bản riêng biệt, có các họ: Dương, Lý, Bàn, Đặng, Phùng, Lăng, Triệu. Các hoạt động văn hóa cổ truyền của người Dao khu vực Ba Vì rất đa dạng, phong phú, trong đó phải kể đến Tết Nhảy. Trước đây, Tết Nhảy được tổ chức 3 ngày, nhưng nay chỉ diễn ra trong 1 ngày. Tết Nhảy là một nghi lễ đặc biệt trong thờ cúng tổ tiên của đồng bào Dao Quần Chẹt ở Ba Vì, là nghi lễ cầu phúc, cầu may, với mong muốn tẩy trừ hết những điều bất hạnh rủi ro của năm cũ, cầu xin trời đất, tổ tiên phù hộ cho gia đình, dòng họ, làng bản một năm mới sức khỏe, mưa thuận gió hòa, công việc làm ăn thuận lợi. Đây cũng là dịp để người Dao ôn lại nguồn gốc, tập tục, lịch sử của dân tộc. Trong Tết Nhảy, đồng bào Dao còn tổ chức lễ Lập Tịch hay còn gọi là lễ cấp sắc. Đàn ông Dao nếu chưa làm lễ cấp sắc thì chưa được công nhận là trưởng thành và không được tham dự công việc lễ bái của cộng đồng.

Đồng bào Mường Ba Vì mang đặc trưng riêng. Nam giới thường mặc áo pắn (áo ngắn), cổ tròn, màu chàm, xẻ ngực và cài khuy. Quần lá tọa, ống rộng và dài, dùng khăn thắt giữa bụng. Trước kia chỉ có 2 màu, nhưng nay phong phú hơn với nhiều loại màu sắc. Váy của phụ nữ Mường là váy đen dài, cạp váy được dệt bằng tơ nhuộm màu, tạo hoa văn hình học và các hình rồng, phượng, hươu, chim. Khăn đội đầu màu trắng hoặc xanh nhạt. Cồng chiêng là di sản văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc của đồng bào Mường. Thông qua tiếng chiêng, con người giao tiếp với đất trời, thần thánh, tổ tiên. Tiếng chiêng cũng là tiếng của lòng người, vì thế đồng bào Mường dùng trong các công việc hệ trọng trong gia đình, dòng tộc như: lễ hội, cưới xin, tang ma. Cùng với Thạch Thất, Quốc Oai, vừa qua Mo Mường của Ba Vì đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có Quyết định số 154/QĐ-BVHTTDL ngày 02/02/2023 về việc ghi danh Tập quán xã hội và tín ngưỡng Mo Mường vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tập quán xã hội và tín ngưỡng Mo Mường là nghi lễ dân gian độc đáo, được sử dụng trong các tang lễ hay nghi thức cầu sức khỏe, bình an của người Mường, mang đậm giá trị nhân sinh quan đặc sắc, gắn liền với đời sống tinh thần của người dân xứ Mường.

Dân tộc Kinh ở Ba Vì chiếm 90% dân số. Đồng bào Kinh ở Ba Vì từ ngàn đời nay vẫn lưu giữ được những truyền thống văn hóa, phong tục tập quán trong việc thờ cúng tổ tiên, giữ trọn đạo hiếu, các phong tục hôn nhân, tang ma, lễ hội… đều toát lên việc thể hiện lòng tôn kính, biết ơn tổ tiên, qua đó giáo dục con cháu nối tiếp truyền thống tốt đẹp của cha ông, rèn luyện đức tài.

Các dân tộc khác như: Tày, Nùng, Ê đê, Khơ Me, Cống, Sán Chỉ… tuy số lượng không nhiều nhưng đều có những nét văn hóa đặc sắc riêng của dân tộc mình. Góp phần làm nên sự đa dạng, phong phú sắc màu cho bức tranh truyền thống văn hóa của các dân tộc huyện Ba Vì.

Truyền thống khoa bảng: Truyền thống hiếu học là một trong những giá trị quý báu được hình thành và hun đúc từ dòng chảy lịch sử ngàn đời của vùng đất Ba Vì. Sự nghiệp khoa bảng của ông cha ta mãi là tấm gương soi sáng cho con cháu muôn đời.

Xã Cam Thượng có cụ Hoàng Bồi thi đỗ Hoàng giáp khoa Quý Mùi (1463) niên hiệu Quang Thuận thứ 4 đời Lê Thánh Tông, làm quan trài thăng đến Thượng thu Bộ Hộ kiêm Tư nghiệp Quốc Tử Giám; cụ Lã Thì Trung thi đỗ Tiến sĩ khoa Mậu Thìn (1628) đời Lê Thần Tông, làm quan trải thăng đến Hữu thị lang Bộ Hộ; cụ Lê Cầu thi đỗ Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (1442); cụ Nguyễn Tiến Triều thi đỗ Hoàng giáp khoa Bính Thìn (1676).

Xã Đông Quang có cụ Nguyễn Tường thi đỗ Hoàng giáp khoa Quý Mùi (1463), làm quan trải thăng đến Tả thị lang Bộ Hình, cụ Trần Kỷ thi đỗ Cử nhân, khoa Canh Thìn (1880).

Xã Cổ Đô có cụ Nguyễn Sư Mạnh đỗ Tiến sĩ làm quan trải thăng đến Thượng thư Bộ Lễ, tước Sùng Tín hầu; cụ Nguyễn Bá Lân thi đỗ Tiến sỹ khoa Tân Hợi (1731) niên hiệu Vĩnh Khánh thứ 3 đời Lê Duy Phường; cụ Nguyễn Lan Hinh thi đỗ Tiến sĩ khoa Giáp Thìn (1484), làm quan trải thăng đến Thượng thư Bộ Lễ.

Xã Châu Sơn có cụ Lê Phi Sảng thi đỗ Tiến sĩ khoa Đinh Mùi (1547), làm quan trải thăng đến Đoán sự ở Đại lý tự.

Xã Sơn Đà có cụ Nguyễn Tái Tích thi đỗ Phó bảng khoa Ất Mùi (1895), làm quan Đốc học; cụ Lương Khắc Thuận thi đỗ Tiến sĩ khoa Tân Sửu (1541) làm quan trải thăng đến Hiến sát sứ.

Xã Tiên Phong có cụ Phùng Thế Triết thi đỗ Tiến sĩ khoa Quý Hợi (1623), làm quan trải thăng đến Hiến sát sứ; cụ Đỗ Công Cẩn thi đỗ Tiến sĩ khoa Canh Tuất (1490), làm quan trải thăng đến Đông các đại học sĩ.

Xã Phú Châu có cụ Trần Thế Vinh thi đỗ Tiến sĩ khoa Canh Tuất (1670), làm quan trải thăng đến Tả thị lang Bộ Binh, tước nam; cụ Phan Nhuệ đỗ Tiến sĩ khoa Mậu Thìn, làm Đốc đồng trấn Tuyên Quang.

Xã Phú Sơn có cụ Nguyễn Minh Khuê thi đỗ Tiến sĩ khoa Quý Mùi (1523), làm quan trải thăng đến Thừa chính sứ.

Xã Tòng Bạt có cụ Trần Văn Huy thi đỗ Hoàng giáp khoa Nhâm Tuất (1442), làm quan trải thăng đến Thượng thư Bộ Lại; cụ Trần Cận thi đỗ Tiến sĩ khoa Kỷ Sửu (1469) làm quan trải thăng đến Thượng thư Bộ Lại; cụ Đặng Công Chất làm quan trải thăng đến tham tụng Thượng thư Bộ Binh; cụ Vũ Bá Triệt thi đỗ Đình nguyên, Hoàng giáp khoa Quý Dậu (1453).

Xã Vạn Thắng có cụ Lê Kim Chương thi đỗ Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (1502) làm quan trải thăng đến Thừa chính sứ; cụ Lê Trí Bình thi đỗ Hoàng giáp khoa Tân Sửu, làm quan trải thăng đến Hiến sát sứ; cụ Lê Anh Tuấn, thi đỗ Tiến sĩ khoa Giáp Tuất (1694); cụ Phùng Ông thi đỗ Tiến sĩ khoa Đinh Mùi (1547), làm quan trải thăng đến Thừa chính sứ.

Trong thời đại Hồ Chí Minh, truyền thống hiếu học tiếp tục được phát huy mạnh mẽ. Huyện Ba Vì có nhiều Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú, Thiếu tướng, Trung tướng, Nhà báo.

Truyền thống yêu nước và đấu tranh Cách mạng: Ba Vì là quê hương của bà Man Thiện, mẹ của 2 bà Trưng Trắc, Trưng Nhị. Người có công sinh thành dưỡng dục, khơi dậy tinh thần yêu nước bất khuất của hai vị nữ anh hùng. Khi đội quân Mã Viện từ phương Bắc tới xâm lăng, tuy tuổi già nhưng bà đã chiêu mộ binh sỹ đánh giặc. Nữ tướng nổi tiếng trong đội quân của bà là bà Phùng Thị Chính ở làng Hậu Trạch (xã Vạn Thắng) lập được nhiều chiến công, được lập đền thờ tại xã Vạn Thắng.

Vào đầu thế kỷ VII, ở làng Chu Tràng (Chu Minh) có một nhân vật huyền thoại là Nhã Lang, con trai Lý Phật Tử dấy binh đánh giặc Tùy, lập nhiều công lớn, được phong tước Vương gọi là Nhã Lang Vương.

Vào thế kỷ thứ XIII, trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông, làng Đồng Bảng (Đồng Thái) có người anh hùng Phùng Lộc Hộ dấy binh khởi nghĩa vượt sông Hồng sang chặn đánh giặc ở vùng Tứ Xã (Lâm Thao – Phú Thọ). Với cách đánh mưu mẹo, thần tốc, dũng mãnh, ông được vua Trần phong tước “Lân hổ hầu Đô thống Đại Vương”.

Dưới triều nhà Trần, tại làng Vân Sa (Tản Hồng) có hai vợ chồng ông bà Trần Quốc Trân – Trần Ngũ Nương. Khi giặc tới xâm lăng, bà Ngũ Nương đóng giả nam cùng chồng cầm quân đánh giặc lập nhiều công trạng, được phong tướng.

Vào thế kỷ thứ XV, khi quân Minh sang xâm lược nước ta, nhiều làng ven sông Hồng, vùng Hặc Sơn, Hoắc Châu (Châu Sơn) là nơi hoạt động của danh tướng Trần Nguyên Hãn.

Thời Pháp thuộc, nhân dân trên địa bàn Ba Vì hăng hái tham gia cuộc khởi nghĩa Quận Cồ ở Tây Đằng (nay là thị trấn Tây Đằng), cuộc khởi nghĩa Đốc Ngữ ở Cẩm Đái nay là xã Cẩm Lĩnh.Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cán bộ và nhân dân huyện Ba Vì kiên cường tổ chức sản xuất và chiến đấu đóng góp sức người, sức của chi viện cho đồng bào miền Nam ruột thịt. Tổng kết các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ và thời kỳ bảo vệ Tổ quốc, toàn huyện có 495 bà mẹ Việt Nam anh hùng, trên 4.000 liệt sỹ, gần 3.000 thương, bệnh binh, người nhiễm chất độc da cam và chiến sỹ Cách mạng bị địch bắt tù đầy.

Ba Vì vinh dự nhiều lần được Bác Hồ ghé thăm!

Ngày 27/4/1957, Bác Hồ lên Sơn Tây thăm và xem xét các đơn vị bọ đội diễn tập, trên đường về Bác Hồ nghỉ chân dưới một bóng cây đa ở xóm Trung Thượng, thuộc xã Ba Trại, huyện Bất Bạt nay là huyện Ba Vì, Người tỏ ý nên xây một số ghế ở đây để Nhân dân qua lại có chỗ nghỉ ngơi. Sau đó, một đơn vị bộ đội đã làm một số ghế xi măng quanh gốc đa. Từ đó đến nay, nhân dân địa phương gọi cây đa này là “Cây đa Bác Hồ”;

Sáng ngày 23/02/1958, Bác Hồ đã lên thăm và xem xét lại địa bàn khu vực Đá Chông. Cùng đi với Bác có đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Ủy viên Trung ương Đảng và một số đồng chí khác.

Sáng sớm ngày 08/7/1958, Bác Hồ tới làng Cổ Đô, xã Tân Lập, huyện Quảng Oai nay thuộc huyện Ba Vì. Vừa tới nơi, Bác xuống ngay cánh đồng Miễu thăm đồng bào đang bắt sâu cứu mạ. Bác căn dặn: Muốn được mùa phải chú ý chày sâu, bừa kỹ, chú ý chống hạn, bón phân, làm cỏ, trừ sâu…Người nhấn mạnh: Phải đoàn kết, thực hiện vụ mùa thắng lợi. Sau đó, Bác đến xem xét hai kè Cổ Đô và Vu Chu. Trên đường về, Bác thăm và nói chuyện với 2.000 cán bộ, bộ đội, Nhân dân đang tham gia thực tập chống lụt ở hai quãng đê Cam Thượng và Viên Sơn.

Ngày 20/6/1959, Bác Hồ thăm và xem xét tình hình thi công, xây dựng ở Công trường 5 thuộc khu vực núi Đá Chông . Tại công trường, Bác thay mặt Đảng và Chính phủ biểu dương tinh thần làm việc của các đơn vị tham gia thi công và biểu dương các tập thể, cá nhân lập được thành tích trong quá trình làm việc.

Này mồn 1 tết năm Canh Tý, tức ngày 28/01/1960, Bác Hồ lên Đá Chông thăm và chúc tết anh em, cán bộ, chiến sỹ bảo vệ và công nhân làm việc trên công trường.

Ngày 19/5/1963, Bác Hồ lên K9 – Đá Chông. Anh em bảo vệ và phục vụ ở K9 đón Bác và chúc mừng sinh nhật lần thứ 73 của Người. Khi Bác ngồi nghỉ tại nhà khách, các đồng chí lê Duẩn, Bí thư thứ nhất ban chấp hành Trung ương Đảng và đồng chí Phạm Văn Đồng, Thủ tướng Chính phủ lên thăm.

Ngày 20/9/1964, Bác Hồ lên K9 – Đá Chông. Cùng lên K9 hôm đó có Thủ tướng Phạm Văn Đồng và một số đồng chí trong Bộ Chính trị và ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị.

Đầu tháng 3/1961, Bác Hồ cùng đồng chí hà Vỹ, Đại sứ Trung Quốc lên thăn Đá Chông. Chuyến đi này, Bác cùng Đoàn Đại sứ hà Vỹ chuẩn bị đón tiếp đoàn của bà Đặng Dĩnh Siêu, phu nhân Thủ tướng Chu Ân lai lên thăm quan khu Đá Chông nơi có phong cảnh đẹp, nơi làm việc của các đồng chí Bộ Chính trị, nhân dịp bà dẫn đầu đoàn đại biểu phụ nữ Trung Quốc sang thăm và dự Đại hội Phụ nữ Việt Nam.

Ngày 24/01/1962, Bác Hồ cùng đoàn đại biểu quân đội Liên Xô do anh hùng G.Ti – tốp, phi công vũ trụ Nhà nước Xô Viết tới thăm Đá Chông.

Ngày 26/01/1964, Bác Hồ đã nghỉ chân và ăn trưa trên đồi Chu Mật, xã Thái Hòa sau khi thăm xã Vinh Quang, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Được tin Bác Hồ về trên đồi Trại, đồng bào và các cháu thiếu nhi thôn Chu Mật chạy ùa ra đón. Bác ân cần thăm hỏi sức khỏe các cụ già, việc học hành của các cháu. Bác hỏi thăm đời sống và việc chuẩn bị tết của nhân dân, khuyên mọi người nên cố gắng trồng cây phủ xanh đồi trọc.

Ngày 15/4/1964, Bác Hồ về thăm Suối Hai – Một công trình thủy lợi có sức chứa 50 triệu mét khối nước. Tại đây Bác khen cảnh đẹp ở Suối Hai và nói: Các nước có hồ thế này là người ta làm giàu đấy. Biến khu này thành nơi nghỉ mát, vừa là nơi du lịch vừa mang lại lợi ích kinh tế.

Ngày mùng 1 tết Kỷ Dậu ( 16/02/1969), nhân dân Hà Tây vinh dự được đón Bác Hồ về thăm và trồng cây trên đồi Đồng Váng xã Vật Lại, huyện Ba Vì. Cùng đi với Bác có đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Thiếu tướng Phạm Kiệt. Đây cùng là lần cuối cùng Người phát động Tết trồng cây cho toàn Đảng, toàn dân trước lúc Người đi xa.

Tiềm năng và chiến lược phát triển toàn diện ở Ba Vì

Được thiên nhiêu ưu ái ban tặng, huyện Ba Vì gần như được bao bọc bởi hai con sông lớn là sông Hồng và sông Đà, tạo nên mạng lưới thủy văn hết sức độc đáo và hệ sinh thái phong phú, thảm thực vật đa dạng, là điểm đến của khách du lịch trong và ngoài nước như: Vườn quốc gia Ba Vì, Ao Vua, Khoang Xanh, Hồ Tiên Sa; Thiên Sơn – Media, Khu du lịch Tản Đà, Paragon Hill, Hồ Suối Hai, Đồi cò Ngọc Nhị…

Vườn quốc gia Ba Vì

Cùng với đó, huyện Ba Vì có có 397 di tích, trong đó có 120 di tích thờ Đức Thánh Tản và 130 di tích đã được xếp hạng các cấp, tiêu biểu như di tích đình Tây Đằng được xếp hạng là di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt, được coi là bảo tàng nghệ thuật của cư dân nông nghiệp, di tích đình Thụy Phiêu, xã Thụy An được các nhà khoa học đánh giá là công trình kiến trúc tín ngưỡng có niên đại khởi dựng sớm nhất khu vực đồng bằng Bắc Bộ còn tồn lại đến ngày nay, di tích đình Chu Quyến, xã Chu Minh là công trình kiến trúc có quy mô đồ sộ nhất miền Bắc, với 126 di sản văn hóa phi vật thể gồm 6 loại hình như lễ hội truyền thống, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, nghề thủ công, tri thức dân gian; Viện khảo cổ học Việt Nam đã tổ chức khai quật và phát hiện ra nhiều các hiện vật của các thời kỳ đồ đá, đồ đồng như tại di chỉ khảo cổ học Đồng Dâu (thị trấn Tây Đằng), Gõ Mão Sơn (xã Đông Quang), Gò Hện (xã Vạn Thắng), Đồng Chỗ (xã Phú Phương)…

Đình Tây Đằng – Di tích quốc gia đặc biệt

Huyện Ba Vì còn có một lợi thế chiến lược về giao thông. Hệ thống đường thủy, đường bộ rất thuận lợi nối liền các tỉnh Tây Bắc, Việt Bắc với toàn bộ đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có Thủ đô Hà Nội - Trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá của cả nước. Từ Trung tâm huyện lỵ theo Quốc lộ 32 đi Sơn Tây về Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc bộ hoặc ngược Trung Hà đi Tây Bắc, Việt Bắc; đồng thời cũng từ trung tâm huyện lỵ theo sông Hồng ngược Trung Hà theo sông Lô, sông Thao lên Tây Bắc, hoặc theo sông Đà đi Hoà Bình - cửa ngõ Tây Bắc của Tổ quốc. Nối liền bởi các cây cầu gồm: Cầu Trung Hà là cây cầu bắc qua hạ lưu sông Đà, nối thôn Trung Hà, xã Thái Hòa và thôn Hạ Nông, xã Hồng Hà, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ; Cầu Đồng Quang bắc qua Sông Đà kết nối đường tỉnh lộ 414 với tỉnh lộ 317 (kết nối từ Đá Chông Ba Vì - Hà Nội với xã Đồng Luận, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ). Cây cầu đã kết nối Hà Nội với Phú Thọ và các tỉnh Tây Bắc, kết nối địa danh Đá Chông – K9, Ba Vì thiêng liêng với vùng đất tổ Hùng Vương. Với cây cầu này, khoảng cách di chuyển từ Hà Nội tới quần thể du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy chỉ còn khoảng 1 giờ chạy xe và thời gian di chuyển từ Hà Nội theo trục Đại lộ Thăng Long - Làng văn hóa các dân tộc - Tỉnh lộ 414 - Đá chông Ba Vì - Vườn vua Resort giờ chỉ còn 50 phút với khoảng cách 65km; Cầu Văn Lang (Ba Vì - Việt Trì) bắc qua sông Hồng kết nối hoàn thiện mạng lưới giao thông trong vùng, mở ra cửa ngõ phía Nam của thành phố Việt Trì để kết nối giao thông thông suốt, thuận giữa thành phố Việt Trì và khu vực phía Tây thành phố Hà Nội và rút ngắn khoảng cách từ thành phố Việt Trì với Ba Vì. Ngoài ra trên địa bàn huyện còn có một số tuyến đường Tỉnh lộ như 411A, B, C; 412, 413, 414, 415 và các đường liên huyện, đê sông Hồng, sông Đà ... thông thương giữa các vùng, miền, các tỉnh, huyện bạn. Với những lợi thế về giao thông đường thủy, đường bộ, Ba Vì có điều kiện khá thuận lợi trong giao lưu kinh tế, văn hóa với bên ngoài, tiếp thu những tiến bộ khoa học - kỹ thuật để phát triển kinh tế với cơ cấu đa dạng: nông nghiệp, dịch vụ, du lịch, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

Huyện Ba Vì có hệ thống giao thông mang tính chiến lược

Với tổng diện tích đất tự nhiện là 42.180,1 ha, trong đó đất nông nghiệp có diện tích 30.268,67 ha; huyện Ba Vì còn là vùng đất thích hợp cho việc phát triển sản xuất nhiều loại cây, con có giá trị. Cùng với 5 sản phẩm Sữa, chè, khoai lang Đồng Thái, Gà đồi, Miến dong Minh Hồng đã được Cục sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học công nghệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể; Đến nay, các địa phương trên địa bàn huyện Ba Vì đã được UBND thành phHà Nội ban hành Quyết định công nhận 138 sản phẩm OCOP đạt từ 3-4 sao. Gồm nhiều sản phẩm đa dạng như: Mật ong thiên nhiên; Mật ong hoa rừng Tản Viên Ba Vì; Tinh bột nghệ nếp đỏ, Rau các loại; Bưởi Yên Bài; Tương Khê Thượng; Rượu mơ Tản Viên Các sản phẩm chế biến đồ ăn chay; thịt - giò Đà điểu; nem; khoai môn; Một số sản phẩm đồ gỗ….

Huyện Ba Vì có nhiều mặt hàng nông sản có giá trị

Hồ Suối Hai – Đẹp nên thơ giữa lòng Ba Vì

          Năm 2022, tổng giá trị sản xuất đạt 31.520 tỷ đồng; Trong đó, nhóm ngành Nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 12.745 tỷ đồng, bằng 100,3% KH, tăng 5,3% so với năm 2021; dịch vụ - du lịch đạt 11.562 tỷ đồng, bằng 104,9% KH, tăng 15,4% so với năm 2021; Công nghiệp - xây dựng đạt 7.213 tỷ đồng, bằng 100,9% KH năm, tăng 11% so năm 2021. Thu nhập bình quân đầu người đạt 55,6 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,58%. Thực hiện chương trình xây dựng NTM, đến nay, 100% số xã của huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 04 xã đạt chuẩn NTM nâng cao chiếm 13,3%; thị trấn Tây Đằng đạt chuẩn đô thị văn minh.

Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh được tổ chức vào ngày 15 Tháng Giêng hằng năm

Không chỉ đẹp về diện mạo, vững về kinh tế, điều đáng mừng hơn nữa là đời sống văn hóa nông thôn ở Ba Vì luôn giữ được nét đậm đà bản sắc dân tộc, chuẩn mực văn hóa được bồi đắp, tình nghĩa xóm làng gắn kết hơn. Các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được quan tâm đầu tư, cải tạo nâng cấp, phương thức tổ chức hoạt động thường xuyên được đổi mới, thu hút đông đảo quần chúng Nhân dân tham gia.

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị luôn được xác định là nhiệm vụ then chốt. Đảng bộ huyện không ngừng trưởng thành về mọi mặt. Hiện nay, Đảng bộ có 71 tổ chức cơ sở Đảng với 16.146 đảng viên; các cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng thường xuyên được củng cố,  kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu; chất lượng hoạt động, năng lực quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền được nâng cao, hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả, đổi mới tác phong, phong cách làm việc trước hết là cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”; chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng được nâng cao đáp ứng nhu cầu công việc. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội luôn được đổi mới phương thức và nâng cao chất lượng hoạt động, làm nòng cốt trong các phong trào thi đua của huyện. Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được tăng cường; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được ổn định giữ vững, 100% xã, thị trấn đạt tiêu chuẩn về “An ninh trật tự”. Các Tổ chức chính trị - xã hội của huyện được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ và nhân dân huyện Ba Vì được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hừng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước; Huân chương Lao động hạng Nhất thời kỳ đổi mới. Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 2012).  Những phần thưởng cao quý trên là động lực thúc đẩy cán bộ, đảng viên và nhân dân Ba Vì phát huy truyền thống, lập nhiều thành tích, tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, phấn đấu cùng nhân dân Thủ đô và nhân dân cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.

Về đầu trang