fancyBox

 

 

 

     Ba Vì là một huyện phía Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến, được thành lập ngày 26/7/1968 theo Quyết định số 120/CP của Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam) hợp nhất ba huyện Quảng Oai, Bất Bạt, Tùng Thiện thành lập huyện Ba Vì.

     Theo các nguồn thư tịch cổ và sự khảo cứu của nhiều học giả được phản ánh trong các công trình nghiên cứu về lịch sử và địa lý Việt Nam cho biết: Huyện Ba Vì xưa kia vào thời Hùng Vương dựng nước thuộc bộ lạc Văn Lang, là miền đất cổ mà truyền thuyết cổ tích thời các vua Hùng hiện còn nhiều nhất, đặc biệt tương truyền đó là trường hoạt động của Sơn Tinh - Đức Tản Viên Sơn Thánh, qua bao thế kỷ vẫn được suy tôn là một trong các vị tứ bất tử, thượng đẳng tối linh thần, đệ nhất phúc thần.

     Lịch sử hành chính thành văn qua các thời kỳ có ghi, thời nhà Đinh và Tiền Lê với tên gọi Bất Bạt thuộc trấn Quảng Oai, châu Đà Giang. Sau khi đánh đuổi quân Minh, khôi phục nền độc lập dân tộc, Lê Lợi chia đất nước thành 5 đạo, Ba Vì lúc đó thuộc trấn Sơn Tây thuộc Tây đạo, đến năm Quang Thuận thứ 10 (năm 1469) Ba Vì thuộc đạo thừa Tuyên. Cuối thế kỷ thứ XV, Ba Vì thuộc phủ Quảng Oai, đến năm 1892, dưới thời Pháp thuộc Ba Vì thuộc tỉnh Sơn Tây. Tháng 4 năm 1965 hai tỉnh Hà Đông và Sơn Tây hợp nhất thành tỉnh Hà Tây, Ba Vì ở vị trí cửa ngõ Thủ đô. Từ ngày 01 tháng 8 năm 2008, Ba Vì hợp nhất Thủ đô Hà Nội.

     Huyện Ba Vì hình thành hội tụ nhiều tiềm năng, nhiều yếu tố thận lợi của một huyện trung du miền núi Bắc Bộ. Có địa hình đa dạng: vùng núi, vùng đồi, vùng đồng bằng, diện tích tự nhiên là 424 km2. Toàn huyện có 30 xã, 1 thị trấn, dân số khoảng 29 vạn người; có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa, kiên cường bất khuất trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm; có 3 dân tộc Kinh, Mường, Dao cùng sinh sống, mỗi dân tộc có một bản sắc dân tộc đặc sắc, nhưng có điểm chung là cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất; nghị lực vượt khó vươn lên, giàu lòng nhân ái trong cuộc sống, đoàn kết trong xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước.

     Tiếp tục phát huy truyền thống quê hương anh hùng, trong thời kỳ đổi mới, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Ba Vì đã và đang nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên 15%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực: giá trị sản xuất ngành dịch vụ - du lịch tăng nhanh, chiếm 40,6%. Ngành nông, lâm nghiệp giảm dần còn 37,8%; Công nghiệp, Tiểu thủ công nghiệp, xây dựng có bước phát triển mạnh, chiếm 21,6 %. Tổng giá trị sản xuất nhóm ngành dịch vụ - du lịch đạt 9.670 tỷ đồng, trong đó, giá trị thương mại 2.970 tỷ đồng. Thu ngân sách đạt trên 278 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Duy trì phát triển làng nghề, tạo điều kiện xây dựng phát triển đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân ngày càng vững mạnh, thu hút hàng chục ngàn lao động với thu nhập ngày càng cao.

     Hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được đầu tư tương đối đồng bộ như hệ thống đường giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng được cứng hóa; thực hiện phong trào toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ dồn điền đổi thửa, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nâng cao năng xuất, chất lượng, xây dựng, duy trì phát triển giá trị thương hiệu sản phẩm Sữa Ba Vì, Chè Ba Vì, Miến dong Minh Hồng, Khoai lang Đồng Thái, gà đồi Ba Vì, Thuốc nam đồng bào dân tộc Dao ...vv.

     Công tác quản lý các hoạt động văn hóa được quan tâm, tăng cường nguồn lực thực hiện công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích, trên địa bàn huyện đã có 102 di tích được xếp hạng cấp Thành phố, cấp Quốc gia; trong đó có di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt, quan trọng như Đình Tây Đằng, đình Chu Quyến, đình Thụy Phiêu, khu di tích K9 - Đá Chông, Cụm di tích lịch sử văn hóa Đền Thượng, Đền Trung, Đền Hạ thờ Tản Viên Sơn Thánh ...vv. Đặc biệt ngày 30/01/2018 Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã công nhận Tục thờ Tản Viên Sơn Thánh tại Ba Vì là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, cơ quan, đơn vị văn hóa được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo, đã trở thành phong trào rộng khắp của nhân dân trong huyện, đến nay đã có 86,2% hộ gia đình đạt danh hiệu văn hóa. Toàn huyện đã có 104 làng, 58 cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu văn hóa; Thực hiện nếp sống văn minh, trong việc cưới, việc tang, lễ hội và mừng thọ có sự chuyển biến tích cực.

     Ba Vì được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Vườn Quốc gia Ba Vì, Ao Vua, Khoang Xanh - Suối Tiên, Hồ Tiên Sa, Thiên Sơn - Suối Ngà, Khu du lịch Tản Đà, Long Việt, Trang trại đồng quê, Thác Đa, Hồ Suối Hai, Hồ Cẩm Quỳ, Rừng nguyên sinh Bằng Tạ - Đầm Long, Đồi cò Ngọc Nhị... do đó du lịch được xác định và trơt thành ngành kinh tế trọng điểm, có tốc độ phát triển nhanh. Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, đã tích cực đầu tư, nâng cấp sản phẩm du lịch nhất là du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng; phát triển du lịch gắn với giáo dục truyền thống, kỹ năng sống và bảo vệ môi trường. Doanh thu về du lịch năm 2017 đạt khoảng 276 tỷ đồng, với 2,6 triệu lượt khách.

     Huy động các nguồn xã hội hóa từ các quận nội thành, các doanh nghiệp hỗ trợ huyện hàng trăm tỷ đồng trong xây dựng đường giao thông, trường học, trạm y tế, trùng tu tôn tạo di tích lịch sử văn hóa; nhiều công trình trọng điểm đã hoàn thành gắn biển chào mừng kỷ niệm 50 năm thành lập huyện như: Nhà máy nước sạch Sông Đà Ba Vì, Phòng Khám khu vực Tản lĩnh, Trường THCS Phú Cường, Trường Tiểu học Phú Sơn, Địa điểm lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến Bác Hồ về thăm xã Cổ Đô, Đường tránh Quốc lộ 32, Đường giao thông xã Ba Trại, Trụ sở Kho Bạc Nhà nước huyện, cầu Việt Trì - Ba Vì .... vv. Hầu hết các thôn đều có nhà văn hóa thôn và đầy đủ các thiết chế văn hóa, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho nhân dân; các trường học, trạm y tế xã được đầu tư đạt chuẩn Quốc gia, nâng cao chất lượng công tác Giáo dục - Đào tạo và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Có nhiều chính sách đền ơn đáp nghĩa, bảo trợ xã hội, giảm nghèo bền vững. Thực hiện cải cách hành chính, tăng cường đào tạo bồi dưỡng cán bộ, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, nâng cao ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân. Tình hình an ninh chính trị ổn định, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao.

     Những thành tựu đã đạt được, Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân huyện Ba Vì đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 20/8/1978. Có 18 xã và Lực lượng Công an huyện, vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Có 483 Bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Nhiều tập thể, cá nhân được tặng thưởng Huân, Huy chương các hạng và nhiều Bằng khen, cờ thi đua xuất sắc của các cấp, các ngành tặng thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Ngày 02 tháng 10 năm 2012, Chủ tịch nước đã tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba cho Đảng bộ và Nhân dân huyện Ba Vì, về thành tích đặc biệt xuất sắc, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Với sự nỗ lực phấn đấu thi đua lập thành tích kỷ niệm 50 năm thành lập huyện Cán bộ và nhân dân huyện Ba Vì đã được Thủ tướng chính phủ tặng Bằng Khen. Những thành tựu, công sức của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ba Vì trong 2 cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm và công cuộc đổi mới xây dựng đất nước đã ghi thêm vào truyền thống quê hương những trang sử hào hùng mới, đó là công sức, là trí tuệ và xương máu của lớp lớp các thế hệ những người con của quê hương Ba Vì anh hùng đã bền gan, vững chí đi theo con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn để xây dựng và tiếp nối truyền thống quê hương, vững bước cùng cả nước tiến lên trên con đường xã hội chủ nghĩa.

     Với niềm tin sắc son vào Đảng và Bác Hồ kính yêu, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện nguyện đem hết công sức, tâm huyết, tài năng, trí tuệ; đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra, đưa huyện Ba Vì sớm trở thành một huyện phát triển toàn diện của Thủ đô Hà Nội với mục tiêu Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, cùng cả nước thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và vững bước tiến lên Chủ nghĩa xã hội. Đó chính là ước nguyện, khát vọng cháy bỏng là lời cam kết đầy trách nhiệm của chúng ta, là hành động thiết thực nhất để thể hiện niềm tự hào, tự tôn dân tộc của các thế hệ hôm nay.

 

 

 

                         

                    

                   KHO TƯ LIỆU VIDEO KHO TƯ LIỆU ẢNH