Hành trình thăm lại chiến trường xưa của Hội Cựu chiến binh Huyện Ba Vì
Ngày đăng 25/03/2024 | 15:08  | Lượt xem: 145

Hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024). Từ ngày 22-24/03/2024, Hội Cựu chiến binh huyện Ba Vì đã tổ chức cho cán bộ, hội viên thăm lại chiến trường xưa.

Tham gia cùng với đoàn có đồng chí Phùng Tân Nhị - Phó Bí Thường trực HU, Chủ tịch HĐND huyện; đồng chí Ngô Thị Bích Thảo – UV BTV, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy; đồng chí Đỗ Anh Sơn - UV BTV, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy, Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện; lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị, hội đoàn thể của huyện.

 

Đoàn CCB huyện Ba Vì thăm địa điểm lưu niệm Trung đoàn Tây Tiến (Trung đoàn 52)

Trên hành trình trở lại chiến trường xưa, Đoàn CCB huyện Ba Vì đã đến thăm địa điểm lưu niệm Trung đoàn Tây Tiến (Trung đoàn 52) ở Thị trấn Mộc Châu. Trong kháng chiến chống Pháp, đoàn quân Tây Tiến đã vượt qua mọi khó khăn về điều kiện chiến đấu, địa hình, lập nên nhiều chiến công vang dội. Trung đoàn đã vinh dự được tặng cờ “Quyết chiến, chiến thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và được mang tên truyền thống đoàn Đông Biên. Trung đoàn được tặng 8 Huân chương Quân công và 218 huân chương các loại.

Đoàn CCB huyện thăm nhà tù Sơn La

Tiếp đó, Đoàn CCB huyện Ba Vì đã đến thăm nhà tù Sơn La ở TP Sơn La, Tỉnh Sơn La, nơi đây từ năm 1930 - 1945, thực dân Pháp đã giam giữ 14 Đoàn tù chính trị, với tổng số 1.013 lượt tù nhân. Nhà tù Sơn La đã trở thành nơi đào tạo, bồi dưỡng những chiến sỹ cộng sản xuất sắc, đóng góp chung vào thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Di tích lịch sử Nhà tù Sơn La đang lưu giữ và trưng bày 48 tư liệu, hiện vật tại Bảo tàng tỉnh Sơn La. Nhà tù Sơn La là một bằng chứng vật chất có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, minh chứng điển hình về tội ác tàn bạo của chế độ thực dân cũ đối với nhân dân Việt Nam, đồng thời, khẳng định chủ nghĩa yêu nước chân chính, ý chí bất khuất của dân tộc Việt Nam.

  

 Đoàn CCB huyện thăm Sở chỉ huy Mường Phăng

 Tiếp tục hành trình trở lại chiến trường xưa, Đoàn CCB huyện Ba Vì đã đến Mường Phăng là một địa danh lịch sử nổi tiếng ở tỉnh Điện Biên. Với cách bố trí hầm, lán trại thành hệ thống liên hoàn, ẩn mình trong rừng già dưới chân núi Pú Đồn, Mường Phăng trong vòng 105 ngày từ 31/1/1954 đến 15/5/1954 cơ quan đầu não quan trọng của chiến dịch Điện Biên Phủ được bảo đảm an toàn tuyệt đối. Từ Sở chỉ huy này, đi lên điểm cao nhất, có thể quan sát toàn bộ thành phố Điện Biên Phủ, thung lũng Mường Thanh và các cứ điểm trước kia của quân Pháp như đồi Him Lam, đồi Độc Lập, đồi D1, đồi C1, đồi A1... Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ đạo xây dựng cơ quan đầu não của Quân đội - Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, để làm nên một chiến thắng lịch sử “Lừng lẫy năm Châu, chấn động địa cầu”.

    Đoàn CCB huyện đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ

Địa điểm thăm quan tiếp theo, Đoàn đã tới dâng hương tại Nghĩa trang liệt sỹ A1 Điện Biên Phủ. Nghĩa trang liệt sỹ A1 được xây dựng năm 1958, nằm cách điểm di tích lịch sử đồi A1 vài trăm mét về phía Nam, đây là nơi an nghỉ của 644 anh hùng liệt sỹ hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong số các phần mộ trong nghĩa trang hầu hết là phần mộ của các liệt sỹ chưa xác định được tên tuổi. Tại nghĩa trang A1 có 4 ngôi mộ lớn khắc tên 4 anh hùng: Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn và Trần Can. Nghĩa trang liệt sỹ A1 ngày nay như một nhân chứng lịch sử nhắc nhở thế hệ trẻ hôm nay và mai sau luôn noi gương và ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh anh dũng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ.

Đoàn CCB huyện thăm Bảo tàng di tích lịch sử Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đoàn CCB huyện  được tận mắt nhìn thấy hơn 1.000 hiện vật gồm vũ khí, các loại phương tiện phục vụ chiến dịch, cũng như những tài liệu về tranh ảnh liên quan đến cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đặc biệt, là thăm quan bức tranh panorama kỳ vĩ, tái hiện toàn bộ khung cảnh Chiến dịch Điện Biên Phủ. Bảo tàng được bố trí với 5 chủ đề: Sơ lược cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược; Chiến dịch Điện Biên Phủ (âm mưu của Thực dân Pháp, chủ trương của ta, diễn biến chiến dịch Điện Biên Phủ); Tác động của chiến thắng Điện Biên Phủ đối với trong nước và thế giới; Sự giúp đỡ của nhân dân thế giới trong chiến dịch Điện Biên Phủ và Tôn vinh.

Đoàn CCB huyện thăm Đồi A-1, hầm Đờ Cát và Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ Điện Biên

    

Đến thăm Đồi A-1 đến, hầm Đờ Cát và Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ Điện Biên. Qua những chứng tích lịch sử còn lại của chiến tranh như: đường hầm, chiếc xe tăng, hố bộc phá… các thành viên trong Đoàn cũng phần nào thấu hiểu được sự vất vả, gian khổ cũng như tinh thần anh dũng, quả cảm của các chiến sỹ để có được sự độc lập, tự do ngày hôm nay.

Tại các điểm đến, các thành viên trong Đoàn CCB huyện Ba Vì đều không khỏi bồi hồi xúc động khi được nghe hướng dẫn viên thuyết minh viên ôn lại chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. Bằng lòng quả cảm và trí tuệ vô song, bằng mưu lược quân sự đã được nâng tới tầm nghệ thuật, được hun đúc bởi lòng yêu nước nồng nàn, chính nghĩa và lịch sử mấy ngàn năm giữ nước; bằng sự hy sinh anh dũng của bao anh hùng liệt sỹ, chiến sỹ, sự đóng góp xương máu của đồng bào; bằng sự hiệp đồng chặt chẽ của các dân tộc anh em, sự ủng hộ của dư luận tiến bộ trên thế giới... dân tộc Việt Nam ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm Châu, chấn động địa cầu”.

   Hội CCB Huyện Ba Vì và Hội CCB tỉnh Điện Biên giao lưu gắn kết tình cảm giữa 2 đơn vị

Hành trình thăm lại chiến trường xưa của Hội CCB Huyện Ba Vì tổ chức đã mang lại rất nhiều ý nghĩa đối với các cán bộ, hội viên CCB đã từng trải qua quân ngũ ôn lại quá khứ hào hùng oanh liệt trong cuộc đấu tranh chiến đấu giải phóng dân tộc và thấy được sự thay da, đổi thịt của vùng đất Điện Biên qua 70 năm thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng và Nhà nước ta. Mặt khác, đáp ứng được nguyện vọng của Hội viên Hội CCB huyện Ba Vì về thăm chiến trường xưa để tri ân, nghĩa tình với đồng chí, đồng đội đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ Quốc, vì hạnh phúc của nhân dân đang nằm lại trên mảnh đất địa danh lịch sử này.

Bình Minh