DU LỊCH - LỄ HỘI

Nét đẹp văn hóa Lễ hội đình Tây Đằng Xuân Quý Mão 2023
Ngày đăng 02/02/2023 | 08:05  | Lượt xem: 296

Huyện Ba Vì là vùng đất cổ, có truyền thống văn hóa lâu đời. Với nhiều di tích văn hóa được lưu giữ, nên cứ vào thời điểm sau Tết Nguyên đán, ở khắp các làng quê trong huyện lại rộn ràng khai hội. Lễ hội Đình Tây Đằng có lịch sử lâu đời gắn liền với tín ngưỡng thờ Tam vị Thánh Tản (Tản Viên, Cao Sơn, Quí Minh) làm Thành hoàng làng, mang tư cách như những anh hùng văn hoá, biểu trưng cho sức mạnh của dân tộc trong việc đánh thắng giặc nước và giặc ngoại xâm, dây cũng là lễ hội đặc trưng nhất của huyện Ba Vì.

Toàn cảnh lễ hội đình Tây Đằng

Đình Tây Đằng được biết đến là một trong số những ngôi đình cổ nhất Việt Nam với gần 500 năm tuổi. Đình được dựng vào khoảng đầu thế kỷ XVI. Ngôi đình thờ Tản Viên, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam, một trong những nhân vật hàng đầu của thần thoại Việt – Mường cổ. Ở Tây Đằng, kiến trúc tòa Đại Đình là điểm nhấn tiêu biểu, với bộ khung gồm 3 gian 2 chái, hệ cột cái cỡ đại nâng toàn bộ nóc mái ngôi đình.

Lễ rước kiệu trong Lễ hội đình Tây Đằng

Nét độc đáo của đình Tây Đằng còn được thể hiện qua các bức chạm khắc mang đậm nét văn hóa dân gian trên từng cấu kiện kiến trúc, đề tài thiên về hoạt động của con người trong làng xã Việt Nam thế kỷ XVI như bơi thuyền, gánh con, đốn củi, múa hát và tuyệt nhiên không chịu ảnh hưởng của lối chạm khắc hoa văn nước ngoài, thể hiện tư duy, trí tuệ của người Việt cổ về cuộc sống, lao động sản xuất của nhân dân lao động… Các bức chạm khắc mô tả sống động một quy trình khép kín cuộc sống của người Việt cổ, từ thủa sơ khai với hoạt động săn bắt, hái lượm, thuần hóa động vật hoang dã (hình tượng voi đi cày) đến cảnh đấu tranh chống giặc giã, sau đó đất nước thanh bình (hình ảnh người chồng ngồi chải tóc cho vợ dưới gốc cau), trai tráng luyện tập võ nghệ, nhân dân nô nức trong lễ hội đua thuyền đến cảnh cha mẹ, ông bà xum vầy, thầy đồ dạy học biểu tượng cho sự chăm lo tới thế hệ sau. Kiến trúc chạm khắc trong đình Tây Đằng hiện diện đủ các vùng văn hóa trên khắp đất nước, từ một gia đình Bắc bộ ấm cúng bên gốc cau đến người phụ nữ Nùng chơi đàn tính ở vùng cao miền Bắc hay lễ hội đua thuyền ở miền Nam. Sự tài tình của các bậc tiền nhân chính là ở chỗ toàn bộ hơn 1.300 chi tiết chạm khắc gỗ trong đình không hề trùng nhau một chi tiết nào và được bố trí rất hài hòa, không mang tính đối xứng như các chi tiết kiến trúc ở những ngôi đình khác. Các đầu đao đều uốn cong có gắn long, ly, quy, phượng bằng đất nung màu gan trâu; xà, đấu, kèo, cốn đều có chạm khắc. Các hình chạm khắc rồng đều mang phong cách rồng thời Trần, chim phượng được chạm theo lối múa xòe cả hai cánh. Đình vừa là nơi làm việc của các chức sắc và những người có ảnh hưởng trong làng, vừa là nơi tổ chức các lễ hội của làng, vừa là nơi thờ một trong vị tướng tứ bất tử của Việt Nam đó là Tản Viên Sơn thánh.

Lễ hội đình Tây Đằng năm 2023

Lễ hội Đình Tây Đằng được tổ chức từ mùng 10 đến 15 tháng Giêng; theo quy định 5 năm Lễ hội được tổ chức 1 lần. Sau nhiều lần hoãn tổ chức do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, năm 2023, lễ hội đình Tây Đằng và Đền Cao (thị trấn Tây Đằng) được tổ chức với quy mô lớn. Lễ hội gồm các hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, tâm linh độc đáo như: nghi lễ tấu sớ dâng hương, rước kiệu, cờ tướng, chọi gà, kéo co, các trò chơi dân gian bịt mắt đập niêu, chạy hóa trang… Các nét đẹp văn hoá diễn ra trong không gian linh thiêng tại sân đình cổ đã tạo nên một bức tranh tổng thể đa sắc màu trong ngày hội.

Trò chơi kéo co trong lễ hội đình Tây Đằng thu hút nhiều người đến xem và cổ vũ

Không gian văn hoá lễ hội lễ hội đình Tây Đằng ngày nay không chỉ “bề thế” về quy mô mà còn đa dạng về phương thức tổ chức với các trò chơi dân gian, loại hình nghệ thuật, môn thể thao truyền thống có sự tham gia rộng khắp của cộng đồng. Tiềm ẩn bên trong những sinh hoạt dân gian ấy là nội dung lịch sử sống động và sâu sắc, phản ánh đời sống của người dân qua lao động, sản xuất với nhiều sắc thái tinh thần phong phú. Việc khôi phục, phát triển các trò chơi, môn thể thao dân gian trong lễ hội Đình Tây Đằng đã góp phần tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, đáp ứng nhu cầu văn hoá tín ngưỡng của nhân dân, góp phần xây dựng nền văn hóa “Tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”./.

Hà Thành

Thông kê truy cập

Đang online: 1445
Lượt truy cập trong tuần: 82955
Lượt truy cập trong tháng: 314611
Lượt truy cập trong năm: 467056
Tổng số lượt truy cập: 58894504

Hiển thị thời tiêt

Hà Nội
Hải Phòng
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh
Về đầu trang