ĐẢNG - ĐOÀN THỂ
Chiều 20/12/2024, Thường trực Thành ủy-HĐND-UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị giao ban Quý IV/2024 với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã theo hình thức trực tuyến triển khai công tác đảm bảo vệ sinh môi trường sạch đẹp, chuẩn bị tốt các hoạt động phục vụ nhân dân vui Xuân, đón Tết.
Đồng chí Trần Sỹ Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội; đồng chủ trì Hội nghị có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Trọng Đông; Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Phạm Quí Tiên. Hội nghị được tổ chức trực tuyến từ điểm cầu chính tại Trụ sở Thành ủy đến 594 điểm cầu với sự tham dự của hơn 11.300 đại biểu.
Hội nghị giao ban tại điểm cầu Trụ sở Thành ủy Hà Nội
Dự tại điểm cầu huyện Ba Vì có đồng chí Phùng Tân Nhị - Phó Bí thư TT Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện, các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy, Thường trực HĐND, UBND huyện lãnh đạo các phòng, ban ngành, đoàn thể của huyện.
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu của huyện
Hội nghị nghe báo cáo và thảo luận về 2 chủ đề gồm: Tăng cường triển khai các biện pháp nhằm cải thiện chất lượng môi trường không khí gắn với thực hiện kế hoạch làm sạch rác thải trên địa bàn thành phố Hà Nội hướng tới Thành phố "sáng, xanh, sạch, đẹp". Triển khai Kế hoạch số 276-KH/TU ngày 18/11/2024 của Ban Thường vụ Thành ủy về lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức các hoạt động Tết Dương lịch 2025 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ của thành phố Hà Nội.
Báo cáo tại Hội nghị, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Thanh Nam cho biết: Thời gian qua, Thành phố đã triển khai các biện pháp nhằm từng bước giảm thiểu ô nhiễm không khí như: Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, vận hành hệ thống quan trắc nhằm quản lý, kiểm soát chất lượng môi trường không khí; giảm thiểu ô nhiễm không khí từ các nguồn phát sinh; tăng cường thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng.
Về tập trung giảm thiểu ô nhiễm không khí từ các nguồn phát sinh, Thành phố đã thiết kế hạ tầng cho các làn đường dành riêng cho xe đạp; triển khai thí điểm đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành làm cơ sở đề xuất giải pháp cải thiện chất lượng không khí; Điều tiết, phân luồng giao thông hợp lý để hạn chế tình trạng ùn tắc tại các nút giao thông; Có chính sách khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng nhằm giảm phương tiện cá nhân.
Đến nay, Hà Nội đã xóa bỏ được hơn 99% số lượng bếp than tổ ong; giảm 80% hiện tượng đốt rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp ở ngoại thành, đốt rác tự phát; chấm dứt hoạt động của các lò gạch thủ công. Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn các quận, thị xã đã trồng được hơn 147.500 cây bóng mát, 110.806 cây cảnh, khóm; 549.449m² mảng cây, thảm cỏ. Hiện nay, tỷ lệ thu gom, vận chuyển rác thải phát sinh trong ngày trên địa bàn các quận đạt 100%; trên địa bàn các huyện, thị xã Sơn Tây từ 95 - 100%. Tổng lượng rác sinh hoạt phát sinh trên địa bàn Thành phố được chuyển về các Khu xử lý khoảng 6.800 - 7.500 tấn/ngày.
Báo cáo tại Hội nghị, Giám đốc Sở LĐTB&XH Bạch Liên Hương cho biết: Về công tác thăm, tặng quà, UBND Thành phố đã ban hành kế hoạch về việc tặng quà tới các đối tượng hưởng chính sách nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 với trên 1,1 triệu suất quà với tổng kinh phí dự kiến 567,631 tỷ đồng. Thời gian hoàn thành xong trước 14/1/2025 (tức 15/12 năm Giáp Thìn).
Về triển khai thực hiện quy định tại Luật Thủ đô năm 2024 liên quan đến việc tăng thêm thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Thành phố, UBND Thành phố đã trình HĐND Thành phố xem xét thông qua Nghị quyết quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách Nhà nước bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên thuộc thành phố Hà Nội quản lý. Thời gian thực hiện từ ngày 1/1/2025.
Bên cạnh đó, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch về tổ chức các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử, chính trị quan trọng của đất nước, Thủ đô trong năm 2025 trên địa bàn. Đối với hoạt động chào mừng năm mới Tết Dương lịch năm 2025 gồm: Sự kiện chào năm mới 2025 vào tối ngày 31/12 tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục và Quảng trường Cách Mạng Tháng Tám. Tổ chức bắn pháo hoa tại 5 điểm (6 trận địa) tại quận Hoàn Kiếm, quận Hà Đông, quận Nam Từ Liêm, thị xã Sơn Tây, huyện Đông Anh, từ 0 giờ 00 - 0 giờ 15 phút, ngày 1/1/2025.
Đối với hoạt động chào mừng Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 gồm: Lễ hội ánh sáng quốc tế Hà Nội tổ chức tại quận Tây Hồ, dự kiến vào 20 giờ, ngày 18/1/2024. Chương trình Rực rỡ Thăng Long 2025 tại Khu vực sân khấu trước Sân vận động quốc gia Mỹ Đình và khu vực đường đua F1 dự kiến từ 21 giờ - 23 giờ 59 phút ngày 28/1/2025. Tổ chức bắn pháo hoa tại 30 điểm (31 trận địa), trong đó, có 9 điểm bắn pháo hoa tầm cao kết hợp tầm thấp (10 trận địa), 21 điểm bắn pháo hoa tầm thấp tại 30 quận, huyện thị xã từ 0 giờ 00 - 0 giờ 15 phút, ngày 29/1/2025 (ngày Mùng một Tết Nguyên đán Ất Tỵ). Ngoài ra, UBND Thành phố giao Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ mừng Xuân mới.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, chí Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị các sở, ban ngành của thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã làm tốt công tác đảm bảo vệ sinh môi trường sạch đẹp, chuẩn bị tốt các hoạt động phục vụ nhân dân vui Xuân, đón Tết.
Đồng chí Trần Sỹ Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố phát biểu kết luận hội nghị
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đánh giá cao các sở, ngành đã nắm chắc công việc và chủ động triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch. Nhấn mạnh hai nội dung về thực hiện phong trào “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp” và tổ chức các hoạt động Tết Dương lịch 2025 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ là việc của cả hệ thống chính trị, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh yêu cầu các cấp, các ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo bằng nhiều biện pháp phù hợp, đi vào cuộc sống.
Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh lưu ý điểm khác biệt của phong trào Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp lần này là sự tiếp nối của các phong trào trước đây và không có đích đến, không có điểm dừng, không phát động theo tuần, theo tháng mà làm liên tục hàng ngày, hàng giờ vì một thành phố xanh, sạch, đẹp hơn. Để Hà Nội thực sự “sáng - xanh - sạch - đẹp”, phải thay đổi cách làm; cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đến từng người dân, tham gia giám sát, tổ chức thực hiện và tạo ra được phong trào thi đua giữ gìn vệ sinh môi trường chung trong từng khối phố, từng quận, huyện.
Bình Minh
CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH
PHẦN MỀM TÁC NGHIỆP
Thông kê truy cập
Hiển thị thời tiêt
Hà Nội | |
Hải Phòng | |
Đà Nẵng | |
TP Hồ Chí Minh |