KINH TẾ - ĐÔ THỊ
Sáng ngày 09/9/2024, Đồng chí Đỗ Mạnh Hưng - Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện chủ trì cuộp họp đánh giá tình hình và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão số 3. Dự cuộc họp có đồng chí Lê Văn Quân – Uỷ viên BTV Huyện uỷ, Phó Chủ tịch UBND huyện, đồng chí Đào Tuấn Hưng – Uỷ viên BTV Huyện uỷ - Chỉ huy trưởng BCH Quân sự huyện cùng lãnh đạo các phòng, ngành: Kinh tế, Quản lý đô thị, Văn phòng HĐND – UBND, Xí nghiệp Thuỷ lợi Sông Tích …
Cơn bão số 3 (bão YAGI) đổ bộ vào huyện Ba Vì với sức gió mạnh kèm theo mưa lớn, huyện đã chủ động các phương án ứng phó nên thiệt hại do bão gây ra trên địa bàn được giảm thiểu, không có thiệt hại về người, không có người bị thương do bão gây ra. Tuy nhiên, có gây thiệt hại về sản xuất nông nghiệp và gây ra sự cố tại một số công trình của nhà nước và nhân dân. Cụ thể, theo thống kê ban đầu bão số 3 đã làm 760 ha lúa bị đổ, ngập úng hơn 773 ha lúa và hoa màu, hơn 3400 con gia cầm bị chết do đổ cây vào chuồng trại chăn nuôi, 109 cây chuối, gần 1000 cây xanh bị gãy đổ.
Đồng chí Đỗ Mạnh Hưng - Phó Bí thư Huyện uỷ - Chủ tịch UBND huyện đã chủ trì cuộc họp
Về sự cố công trình Sạt lở phía hạ lưu tuyến đê Hữu Hồng chiều dài khoảng 10m, sạt sâu 1,5m và hiện tượng sụt lún kè đê Hữu Hồng tại xã Cổ Đô; Đổ gãy 28 cột điện; sập đổ 1 nhà bếp, tốc mái hơn 570m2 chuồng trại chăn nuôi của các hộ dân tại Yên Bài, Thuần Mỹ, Tản Lĩnh, Sơn Đà… 7 hộ bị ngập nhà, 8 thuyền đánh cá bị chìm….
Đồng chí Lê Văn Quân – Uỷ viên BTV Huyện uỷ, Phó Chủ tịch UBND huyện phát biểu tại cuộc họp
Để kịp thời khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra, ngay trong sáng ngày 08/9, các đồng chí lãnh đạo Huyện đã trực tiếp xuống các xã, thị trấn để động viên người dân và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả do bão gây ra. Đến sáng ngày 09/9, toàn Huyện đã hoàn thành xong việc dọn dẹp, di dời cây xanh bị gãy, đổ đảm bảo giao thông thông suốt, di dời người dân và tài sản đến nơi an toàn. Hỗ trợ nhân dân di dời gia súc gia cầm tại xã Vật Lại bị ngập úng lên vùng cao hơn…vv
Đồng chí Đào Tuấn Hưng – Uỷ viên BTV Huyện uỷ, Chỉ huy trưởng BCH Quân sự huyện
Với tình hình mưa lũ phức tạp, nước trên sông Hồng và sông Đà tiếp tục lên cao, nhiều địa phương có nguy cơ cao với lũ, ngập lụt, sạt lở đất. Dự báo mưa lớn vẫn còn tiếp diễn trong những ngày tới và mở rộng vùng ngập lụt, nguy cơ cao xảy ra thiệt hại về người và tài sản. Tuy nhiên tại một số địa phương xuất hiện tình trạng người dân ra ao hồ, suối đánh bắt cá, nước lớn rất nguy hiểm.
Đ/c Nguyễn Giáp Đông, Trưởng Phòng Kinh tế phát biểu tại cuộc họp
Tại cuộc họp, đại diện các ngành đã báo cáo kết quả công tác khắc phục và đề xuất một số giải pháp, phương án tiếp tục khắc phục hậu quả sau bão trong thời gian tiếp theo.
Phát biểu tại cuộc họp, Đồng chí Đỗ Mạnh Hưng – Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện khuyến cáo nhân dân tuyệt đối chấp hành khuyến cáo của các cơ quan chức năng: không đánh bắt cá tại các khu vực nguy hiểm, không di chuyển qua các khu vực có nguy cơ cao, trượt ngã khiến lũ cuốn cả người và phương tiện; Tiếp tục huy động các lực lượng hỗ trợ nhân dân di dời người và vật nuôi khu vực trũng thấp đến vùng an toàn để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Đối với xã đảo Minh Châu, trước tình hình mực nước sông tiếp tục lên có nguy cơ bị cô lập, đề nghị các ngành và địa phương chuẩn bị phương án cung cấp nhu yếu phẩm thiết yếu cho nhân dân.
Trước tình hình mực nước trên các sông tiếp tục lên, khả năng thoát lũ là rất chậm, hiện tượng ngập úng sẽ tiếp tục diễn ra. Các địa phương chỉ đạo nhân dân, huy động tối đa nhân lực xuống đồng hỗ trợ bà con dựng lúa bị đổ, tập trung thu hoạch lúa mùa bị gãy đổ tại những khu vực an toàn, chuẩn bị các phương án hỗ trợ nhân dân sấy khô và bán lúa tươi nếu khả thi; huy động các lực lượng tại các đơn vị quân đội tiếp tục hỗ trợ nhân dân thu hoạch lúa, hạn chế phần nào thiệt hại cho nhân dân. Xí nghiệp Thuỷ lợi Sông Tích, tiếp tục vận hành hết công suất các máy bơm tiêu, hỗ trợ giải quyết tình trạng ngập úng những khu vực trọng yếu.
Các ngành, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo nhân dân tiếp tục các phương án tránh trú an toàn đặc biệt ứng phó với lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng thấp. Đẩy mạnh tuyên truyền nhân dân không đánh bắt cá khu vực ao hồ sông suối khi nước lớn, khuyến cáo người lớn trong gia đình cần căn dặn, hướng dẫn trẻ em không đi qua các khu vực nguy hiểm. Các địa phương cũng tăng cường công tác kiểm tra hệ thống đê điều, triển khai phương án bảo vệ các trọng điểm đê điều xung yếu theo phương châm 4 tại chỗ; Kiểm tra, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du; bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống.
Khuất Duyên
CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH
PHẦN MỀM TÁC NGHIỆP
Thông kê truy cập
Hiển thị thời tiêt
Hà Nội | |
Hải Phòng | |
Đà Nẵng | |
TP Hồ Chí Minh |