TIN TỨC - SỰ KIỆN

Đoàn Ban thư ký Hạ viện Ma-rốc thăm và làm việc tại huyện Ba Vì
Ngày đăng 20/06/2024 | 17:23  | Lượt xem: 99

Chiều ngày 20/6/2024, Đoàn Ban thư ký Hạ viện Ma-rốc do ông Naib El Khadi - Tổng thư ký Hạ Viện Ma-rốc làm Trưởng đoàn đã tới thăm và làm việc tại Cổng Ma-rốc - thôn Việt Long, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì.

Cùng tham gia đoàn có bà Phan Thị Thuỳ Linh, Thường trực Ban Thư ký Quốc hội - Vụ trưởng Vụ Thư ký, Văn phòng Quốc hội; ông Đào Duy Trung, Vụ Lễ tân và Hợp tác quốc tế, Văn phòng Quốc hội, cùng lãnh đạo các sở, ngành của thành phố; đại diện Ban quản lý di tích danh thắng Hà Nội, sở VHTT Hà Nội. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Đỗ Mạnh Hưng - Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện, cùng các đồng chí lãnh đạo Văn phòng HĐND – UBND huyện và Trung tâm VHTT&TT huyện Ba Vì.

Đoàn tham quan Cổng Maroc

Cổng Maroc, hay còn gọi là cổng Việt – Phi được xây dựng vào năm 1957, mang phong cách kiến trúc Arab. Cổng là di tích còn sót lại của Nông trường Việt Phi - Ba Vì, là minh chứng lịch sử cho giá trị tư tưởng Nhân văn Hồ Chí Minh. Cổng được xây dựng bởi những hàng binh đến từ hơn hai mươi nước châu Âu và châu Phi được chính phủ và nhân dân Việt Nam cảm hóa, sau đó ở lại sinh sống tại Việt Nam. Cổng được trùng tu năm 2016 với sự tài trợ một phần của Đại sứ quán Vương quốc Maroc tại Việt Nam. Chiếc cổng mang phong cách Arab này là biểu tượng của tình hữu nghị quốc tế chống thực dân, một di tích độc đáo. Bên cạnh giá trị bảo tồn, sản phẩm còn có giá trị nghệ thuật.

Ông Naib El Khadi - Tổng thư ký Hạ Viện Ma-rốc trò chuyện với nhân chứng lịch sử về giá trị lịch sủ của cổng Maroc

Trong chiến tranh kháng chiến chống Pháp, khoảng 50 nghìn lính Bắc Phi đã tham chiến ở Việt Nam trong Binh đoàn Lê dương của Pháp. Cuối những năm 1940, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ma Rốc đã cử ông M’hamed Ben Aomar (tức anh Mã) – một chiến sĩ cộng sản đầy nhiệt huyết sang công tác tại Việt Nam để tập hợp các hàng binh và lính đào ngũ gia nhập lực lượng Việt Minh. Nhờ sự hỗ trợ từ phía Ma Rốc, năm 1953, một số binh lính Ma Rốc (do bị bắt, hoặc tự nguyện) đã theo Việt Minh để chống lại thực dân Pháp.


Các đồng chí lãnh đạo Hạ viện Maroc, Trung ương, thành phố và huyện chụp ảnh lưu niệm tại Cổng Maroc

Sau năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo thành lập Nông trường Việt Phi tại Ba Vì, Hà Nội, tiếp nhận hơn 300 hàng binh Bắc Phi và hơn 100 công nhân Việt Nam để khai hoang, nuôi bò sữa, trồng trọt. Trong số các hàng binh, nhiều người đã lấy vợ Việt Nam. Năm 1963, các hàng binh đã quyết định xây dựng một số công trình, trong đó có cổng Ma Rốc để nhớ về quê hương. Năm 1972, chính quyền Ma Rốc hồi hương số hàng binh trên. Qua nhiều thế kỷ, hầu hết các công trình được các hàng binh xây dựng đều bị phá hủy, chỉ còn Cổng Ma Rốc còn nguyên vẹn nằm trên đất của gia đình ông Nguyễn Văn Thành tại Ba Vì, Hà Nội. Thời gian gần đây, dưới sự phối hợp của Đại sứ quán Ma Rốc, Cổng Ma Rốc đã được chính quyền Hà Nội tiến hành tu bổ, tôn tạo.

Ông Naib El Khadi - Tổng thư ký Hạ Viện Ma-rốc chụp ảnh lưu nhiệm cùng ông Nguyễn Văn Thành nhân chứng lịch sử tại thôn Hoàng Long – xã Tản Lĩnh

Tham quan Cổng Maroc, ông Naib El Khadi - Tổng thư ký Hạ Viện Ma-rốc đã bày tỏ: Tôi càng thấy thấm thía khi đến thăm, được biết, tìm hiểu và được nghe chia sẻ của nhân chứng lịch sử về Cổng Ma Rốc. Đằng sau chiếc cổng chào đậm nét kiến trúc Ma Rốc cổ, nhuốm màu thời gian là những câu chuyện về tình người, tình hữu nghị giữa hai dân tộc.

Đoàn Đoàn Ban thư ký Hạ viện Ma-rốc trở về mang theo nhiều cảm xúc về những câu chuyện về tình người, tình hữu nghị giữa hai dân tộc

Tai buổi làm việc đồng chí Đỗ Mạnh Hưng – Phó Bí thư huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện chia sẻ: Tại huyện Ba Vì, qua nhiều thế kỷ, hầu hết các công trình tại Làng Việt Phi được các hàng binh xây dựng đều bị phá hủy, chỉ còn Cổng Ma Rốc còn nguyên vẹn nằm trên đất của gia đình ông Nguyễn Văn Thành tại Ba Vì. Thời gian gần đây, dưới sự phối hợp của Đại sứ quán Ma Rốc, Cổng Ma Rốc đã được Hà Nội tiến hành tu bổ, tôn tạo. “Địa phương mong muốn được các chuyên gia, các nhà chuyên môn vào cuộc, thu thập thông tin, ghi nhận và hình thành hồ sơ để trình lên thành di tích Quốc gia, thậm chí thế giới về tính nhân văn của bên lề cuộc chiến, cách ứng xử, đối xử với tù binh, hàng binh chiến tranh. Biến nơi đây thành di tích Văn hóa, một điểm đến thu hút tham quan học hỏi du lịch cho địa phương."

Khuất Duyên

TIN TỨC DU LỊCH - LỄ HỘI

Hiển thị thời tiêt

Hà Nội
Hải Phòng
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh
Về đầu trang