KINH TẾ - ĐÔ THỊ

Huyện Ba Vì khẩn trương khôi phục sản xuất nông nghiệp sau mưa bão
Ngày đăng 13/09/2024 | 14:31  | Lượt xem: 239

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và mưa lớn sau đó, nhiều diện tích lúa, hoa màu, cây ăn quả của huyện bị ngập nước, đổ, gẫy... Bà con nông dân đang nhanh chóng triển khai các biện pháp chăm sóc, phục hồi, nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại.

Các địa phương trên địa bàn huyện thực hiện thu hoạch lúa theo phương châm “Xanh nhà hơn già đồng” nhanh chóng thu lúa Mùa cho bà con sau bão

Lẽ ra phải tầm gần cuối tháng 9, những cánh đồng lúa tại xã Phú Phương mới vào rộ thu hoạch, nhưng do giông bão và hoàn lưu cơn bão số 3 làm toàn bộ trên 50 ha diện tích lúa ngoài bãi bị ngập, trong đó khoảng 5ha lúa bị mất trắng do nước ngập sâu và lúa vẫn còn xanh gặt về không sử dụng được. Chị Phùng Thị Chiển – Chủ tịch UB MTTQ xã Phú Phương chia sẻ: Cả xã Phú Phương gieo cấy trên 125ha lúa, mưa bão làm ngập riêng ở thôn Phương Khê khoảng 40 ha. Những ngày qua địa phương đã huy động tất cả các lực lượng Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Dân quân tự vệ đi đắp bờ, vớt lúa giúp bà con những vùng lúa bị ngập đến gần cổ bông. Bản thân tôi cũng đi suốt mấy ngày qua, đến khi về kiểm tra nhà mình 2 sào lúa cấy của gia đình thì phát hiện ruộng đã bị ngập quá bông lúa nên không thể gặt được, đồng chí Phó Chủ tịch UB MTTQ cũng vừa báo cáo gia đình 4 sào lúa cũng ngập không gặt được do mấy hôm bận đi cứu lúa cho nhân dân. Dù gia đình bị thiệt hại, nhưng khi chia sẻ thông tin với chúng tôi, đồng chí Chủ tịch UB MTTQ xã Phú Phương vẫn rất vui vẻ vì cho rằng mất chút lúa có là gì nhiều nơi khác còn mất cả người, với lại trời đã hửng nắng những chân ruộng ở khu đồng cao ở hôm nay máy đã vào thu hoạch cho bà con được rồi.

Hội viên Phụ nữ xã Phú Phương tươi cười gặt lúa giúp nhân dân dù lúa nhà mình chưa kịp gặt

Tương tự như xã Phú Phương, những ngày qua nhiều xã trên địa bàn huyện cũng đã huy động các lực lượng hỗ trợ nhân dân thu hoạch gấp lúa bị ngập, với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, không chỉ các hội viên các Hội đoàn thể, lực lượng dân quân giúp gặt mà các giáo viên các trường học, đơn vị quân đội, công an địa phương cùng hỗ trợ gặt lúa, nhanh chóng đưa lúa về nhà cho người dân.

Tại Xã Chu Minh ngoài diện tích lúa bị ngập úng 35 ha, có 45,2 ha rau màu bị ngập. Đồng chí Trần Quang Tùng – Phó Chủ tịch UBND xã Chu Minh cho biết: Với các diện tích lúa bị ngập úng, địa phương đã chỉ đạo các lực lượng phối hợp với bà con có ruộng thực hiện tiêu úng đảm bảo 100% diện tích; đối với các diện tích trồng rau màu cũng đã triển khai việc tiêu thoát nước nhanh chóng, tuy nhiên do mưa liên tục trong nhiều ngày nên số diện tích bị thiệt hại khoảng gần 20%. Hiện tại địa phương vẫn tiếp tục hướng dẫn bà con khắc phục vùng rau bị ngập sau úng, xử rau màu bị táp lá, để tránh thối rễ, phát sinh sâu, nấm bệnh. 

Các địa phương huy động lực lượng đắp bờ, khơi thông rãnh không để lúa và rau màu bị ngập

Bão số 3 không chỉ làm lúa và rau màu bị ảnh hưởng, một số diện tích cây xanh, cây ăn quả, chuối trên địa bàn huyện Ba Vì bị ngã đổ. Theo báo cáo của BCH Phòng chống TT và TKCN huyện Ba Vì, riêng về diện tích trồng trọt, tổng diện tích lúa Mùa bị ngập úng 1.259ha, trong đó 530 ha ngập sâu có khả năng không cho thu hoạch; rau màu các loại bị ngập 494 ha; Đổ 638 cây xanh, 25ha cây ăn quả, cây lấy gỗ; 109 ha chuối.  

Diện tích trồng chuối xã Minh Châu bị thiệt hại lớn sau cơn bão

Để khẩn trương bảo vệ sản xuất nông nghiệp sau mưa bão, huyện Ba Vì chỉ đạo các địa phương đối với diện tích lúa đã chín, khi thời tiết nắng cần thu hoạch nhanh đề phòng mưa bão tiếp diễn phức tạp; với diện tích lúa đã chín đỏ đuôi bị đổ, người dân nên ra đồng buộc, dựng lại. Đối với vùng rau màu, nhanh chóng thu hoạch diện tích đã đến thời kỳ thu hoạch; diện tích chưa đến thời kỳ thu hoạch cần khơi thông dòng chảy, rãnh thoát nước trên ruộng; sau khi nước rút, vệ sinh đồng ruộng, phun phân bón lá, các chế phẩm vi lượng… cho cây nhanh phục hồi. Khi đất khô ráo, xới vun kịp thời để tạo độ thoáng cho đất, tránh bị nghẹt rễ và kết hợp bón bổ sung phân lân, NPK… Chuẩn bị đủ lượng và chủng loại hạt giống rau để sẵn sàng gieo trồng lại khi thời tiết thuận lợi. Đối với vườn cây ăn quả ngập úng, khẩn trương đào rãnh, khơi thông dòng chảy, bơm hút nước ra khỏi rãnh, hố trong vườn cây; với những vườn cây đã rút nước cần xới nhẹ, phá váng lớp đất mặt vùng tán cây giúp đất thông thoáng, khắc phục tổn thương và tái sinh rễ mới; thu dọn cành gãy đổ, bón phân, chăm sóc giúp cây nhanh hồi phục. Khi bộ rễ cây đã phục hồi, tiến hành bón phân hữu cơ kết hợp với phân hữu cơ khoáng, phun phân bón lá hạn chế sử dụng phân bón hóa học để tăng khả năng phục hồi của cây.

Thời tiết diễn biến phức tạp, vì vậy, UBND huyện cũng đã chỉ đạo các địa phương cần bám sát diễn biến của thời tiết, chủ động bơm rút nước đệm; đồng thời, tuyên truyền vận động nhân dân khẩn trương thu hoạch lúa Mùa, chuẩn bị đủ số lượng và chủng loại hạt giống rau để sẵn sàng gieo trồng lại ngay khi thời tiết thuận lợi, bảo đảm cung cấp cho thị trường lúc giáp vụ. Tin rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương; sự chủ động của người dân, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Ba Vì sẽ sớm được phục hồi./.

Diệu Thu

TIN TỨC DU LỊCH - LỄ HỘI

Thông kê truy cập

Đang online: 466
Lượt truy cập trong tuần: 54052
Lượt truy cập trong tháng: 209600
Lượt truy cập trong năm: 1522524
Tổng số lượt truy cập: 61791094

Hiển thị thời tiêt

Hà Nội
Hải Phòng
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh
Về đầu trang