NỘI CHÍNH - AN NINH QUỐC PHÒNG
Cháy nổ là hiểm họa đối với cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp. Bởi vậy, nhằm nâng cao ý thức, năng lực trong phòng cháy, chữa cháy, giảm thiểu thiệt hại do cháy, nổ gây ra, rất cần sự chung tay góp sức của toàn xã hội.
Ngày 4/10/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc Lệnh số 53/SL ban hành “Pháp lệnh quy định việc quản lý Nhà nước đối với công tác Phòng cháy chữa cháy”. Từ đó, ngày 4/10 được lấy làm ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Ngày 4/6/1996, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 369-TTg về việc lấy ngày 04 tháng 10 hàng năm là ngày phòng cháy, chữa cháy toàn dân, để nhắc nhở cho mỗi người dân biết được trách nhiệm của mình đối với công tác PCCC, nhằm hạn chế tai nạn cháy nổ, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Có thể nói, cháy nổ là một trong những tai nạn kinh hoàng, mối hiểm họa để lại hậu quả nặng nề, thương tâm nhất cho mọi người, mọi nhà và toàn xã hội. Thời gian gần đây số vụ cháy xảy ra ở một số địa phương trong cả nước diễn biến phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. Nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy nổ ngày càng gia tăng một phần chính là do ý thức trong công tác PCCC còn nhiều hạn chế và bất cập.
Tại huyện Ba Vì, tuy tình hình cháy nổ so với các địa phương khác ít phức tạp hơn, nhưng nguy cơ cháy có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bất cứ thời điểm nào và hậu quả không thể nói trước nên công tác phòng ngừa vẫn là phương án an toàn nhất. Theo thống kê, từ ngày 01/01/2022 đến ngày 15/8/2022, trên địa bàn huyện xảy ra 05 vụ cháy, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 161 triệu đồng.
Nhằm hạn chế thấp nhất các vụ cháy, nổ xảy ra trên địa bàn, trong những năm qua, cùng với nhiệm vụ trong tổ chức PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH), lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an huyện Ba Vì đã làm tốt công tác tham mưu cho HU, HĐND&UBND huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành huy động toàn dân tham gia thực hiện công tác PCCC. Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an huyện Ba Vì thường xuyên tuyên truyền, phổ biến kiến thức về PCCC, kiểm tra hướng dẫn các cơ sở khắc phục các nguy cơ xảy ra cháy; xây dựng lực lượng PCCC cơ sở và tổ chức đào tạo hướng dẫn nghiệp vụ cho lực lượng nòng cốt tại cơ sở để xử lý kịp thời các sự cố xảy ra. Trên cơ sở đó nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của người dân đối với công tác PCCC, giảm thiểu các nguy cơ xảy ra cháy nổ và giảm mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do cháy nổ gây ra trên địa bàn.
UBND huyện tổ chức diễn tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại Công ty TNHH Durian (xã Vật Lại, huyện Ba Vì)
Để giảm thiểu các vụ cháy và hạn chế thấp nhất hậu quả thiệt hại xảy ra, cần xác định “phòng cháy hơn chữa cháy”, bởi vậy, bên cạnh việc chủ động chuẩn bị lực lượng, phương tiện tại chỗ để phát huy hiệu quả trong PCCC thì các địa phương, cơ quan đơn vị cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức PCCC đến mọi người dân, mọi tổ chức, cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Triển khai và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, thành phố và huyện về công tác PCCC và CNCH; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong công tác tổ chức thực hiện phòng cháy, chữa cháy… Đặc biệt, cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy. Các cấp, các ngành cần chủ động thực hiện phương châm “4 tại chỗ” (gồm chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ) để chủ động phòng ngừa và chữa cháy kịp thời, có hiệu quả.
Xác định phương châm lấy phòng ngừa là chính, trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ Đội Cảnh sát PCCC và CNCH Công an huyện Ba Vì luôn chủ động tổ chức triển khai phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với phong trào toàn dân PCCC, chú trọng xây dựng phong trào từ cơ sở. Đặc biệt, đơn vị đã chủ động phối hợp với Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao Ba Vì đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức về PCCC và phong trào toàn dân tham gia PCCC trên hệ thống truyền thanh từ huyện đến cơ sở, Cổng thông tin điện tử của huyện, Trang thông tin điện tử các xã, thị trấn, tổ chức tuyên truyền lưu động, tuyên truyền cổ động trực quan… Đồng thời, phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức các lớp tập huấn về nghiệp vụ PCCC cho lực lượng PCCC cơ sở và nhân dân những kiến thức pháp luật cần thiết, kỹ năng thoát nạn, cứu nạn, cứu hộ, chữa cháy nhằm huy động sức mạnh toàn dân trong công tác PCCC.
Các lực lượng tham dự buổi thực tập phương án chữa cháy khu dân cư thôn Cổ Đô, xã Cổ Đô, hưởng ứng ngày toàn dân PCCC 04/10
Thực tập phương án chữa cháy tại Bệnh viện đa khoa Ba Vì hưởng ứng ngày toàn dân PCCC 04/10
Một số hình ảnh phối hợp thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại Công ty TNHH chè Á Châu (xã Phú Sơn, Ba Vì)
Với mục tiêu phòng ngừa mọi nguy cơ, hiểm họa về cháy, nổ cũng như chủ động trong PCCC thì vai trò của người quản lý, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất - kinh doanh, của mỗi người dân tại nơi cư trú là rất quan trọng. Xác định rõ trách nhiệm, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương cần xây dựng kế hoạch, lồng ghép nội dung PCCC vào nhiệm vụ chuyên môn, các hoạt động sinh hoạt, giáo dục chính trị ở địa phương, đơn vị nhằm tuyên truyền, trang bị kiến thức, nâng cao nhận thức và ý thức cảnh giác PCCC đến mỗi cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, công chức, viên chức, đảng viên và người dân. Có như vậy, mới có thể được kiềm chế và đẩy lùi nguy cơ cháy, nổ xảy ra trên địa bàn.
Phòng cháy, chữa cháy là trách nhiệm của toàn xã hội, vì vậy mỗi cá nhân, mỗi tập thể cần nâng cao ý thức, tinh thần chủ động, cảnh giác, phòng ngừa cháy, nổ. Bởi, mỗi hành động thiết thực, ý thức chủ động trong phòng ngừa cháy nổ của mỗi chúng ta sẽ góp phần mang lại hạnh phúc cho mọi người, mọi nhà và sự bình yên cho toàn xã hội.
Lê Phượng
CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH
PHẦN MỀM TÁC NGHIỆP
Thông kê truy cập
Hiển thị thời tiêt
Hà Nội | |
Hải Phòng | |
Đà Nẵng | |
TP Hồ Chí Minh |