DU LỊCH - LỄ HỘI

Ba Vì: Bảo tồn và phát huy tín ngưỡng thờ Tản viên Sơn Thánh
Ngày đăng 04/12/2024 | 08:38  | Lượt xem: 232

(Chinhphu.vn) - Phát tích từ vùng núi Ba Vì, trấn Sơn Tây xưa, Thủ đô Hà Nội ngày nay, tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh, vị thánh đứng đầu trong "Tứ bất tử" thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, tinh thần đoàn kết cùng ước vọng chinh phục thiên nhiên ngàn đời của người Việt.

Tín ngưỡng thờ Đức Thánh Tản Viên Sơn đã được nhân dân ngàn đời lưu giữ. Tục thờ Tản Viên Sơn Thánh đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2018.

Tập quán thờ Tản Viên Sơn Thánh ở huyện Ba Vì hàm chứa nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa, xã hội… Bên cạnh đó, tục thờ Tản Viên Sơn Thánh mang ý nghĩa hướng về cội nguồn, hàm chứa giá trị giáo dục truyền thống "Uống nước nhớ nguồn"...

Lễ dâng hương sẽ được tổ chức ngày 06/12/2024 (tức ngày 06/11 năm Giáp Thìn) - Ảnh: VGP/Thúy Giang

Cảnh quan đi lên đền Trung được trang hoàng sạch sẽ và tôn nghiêm - Ảnh: VGP/Thúy Giang

Đóng vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh không chỉ nổi bật về khả năng lan tỏa, sức sống lâu bền, mà còn thể hiện tính thống nhất trong sự đa dạng văn hóa của cộng đồng các dân tộc cùng chung tín ngưỡng.

Cùng với nhiều nghi thức, tục thờ khác nhau, lễ tưởng niệm Ngày Thánh hóa (diễn ra ngày 6/11 Âm lịch) đã và đang được chính quyền và nhân dân Ba Vì nỗ lực khôi phục, bảo tồn với đầy đủ các nghi thức truyền thống lâu đời, nhằm phát huy hiệu quả nhất giá trị di sản trong đời sống đương đại.

Hằng năm lễ hội tại các di tích thờ Tản Viên Sơn Thánh thường diễn ra vào khoảng rằm tháng Giêng và lễ tưởng niệm ngày hóa của Đức Thánh Tản được thực hiện vào ngày mùng 6 tháng 11 âm lịch.

Theo UBND huyện Ba Vì, năm nay, Lễ dâng hương tưởng niệm Ngày hóa của Đức Thánh Tản được huyện Ba Vì tổ chức vào đúng ngày Thánh hóa, ngày mùng 06 tháng 11 âm lịch. Tại Lễ dâng hương, huyện Ba Vì cũng sẽ tổ chức Lễ đúc chuông đồng tại di tích đền Trung, xã Minh Quang.

Chuông đồng dự kiến đúc cao 2,15m, nặng 968 kg, chất liệu bằng đồng đỏ do các nghệ nhân thực hiện.

Tục thờ Tản Viên Sơn Thánh mang ý nghĩa hướng về cội nguồn, hàm chứa giá trị giáo dục truyền thống "Uống nước nhớ nguồn"... - Ảnh: VGP/Thúy Giang

Việc đúc chuông đồng có ý nghĩa to lớn. Chuông đồng được coi là một bảo pháp không thể thiếu trong các đình, đền, chùa, là một khí cụ linh thiêng có sức lan tỏa rất lớn tới đời sống tâm linh. 

Tiếng Chuông khai sáng tâm hồn, gợi mở ra tâm hồn thanh tịnh của mỗi người. Tiếng Chuông thôi thúc những điều tốt đẹp trong con người, hướng đến cái thiện, lòng vị tha. Hơn thế, tiếng chuông còn đưa bản thân mỗi người về cái "nhất tâm" làm những điều lành, điều thiện để cuộc sống tốt đẹp hơn.

 

Trong những năm qua, bằng những chủ trương đúng đắn, những việc làm thiết thực, được Thành phố quan tâm, huyện Ba Vì đã chỉ đạo tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa như: Thực hành tín ngưỡng di sản Văn hóa phi vật thể Tục thờ Tản Viên Sơn Thánh, mở rộng vùng tổ chức lễ hội Tản viên Sơn Thánh, phối hợp với huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) tổ chức thành công lễ hội Tản Viên Sơn năm 2023. 

Bên cạnh đó, tu bổ và tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, trong đó có cụm di tích đền Thượng - đền Trung- đền Hạ, tiếp tục được đầu tư tu bổ, phát huy giá trị và xây dựng điểm đến thu hút du khách…

Thúy Giang (Chinhphu.vn)

TIN TỨC DU LỊCH - LỄ HỘI

Thông kê truy cập

Đang online: 528
Lượt truy cập trong tuần: 5129
Lượt truy cập trong tháng: 161681
Lượt truy cập trong năm: 2255983
Tổng số lượt truy cập: 62524553

Hiển thị thời tiêt

Hà Nội
Hải Phòng
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh
Về đầu trang