XÃ - THỊ TRẤN
Chiều ngày 10/12/2024, đồng chí Nguyễn Đức Anh – Phó Chủ tịch UBND huyện, cùng các đồng chí lãnh đạo Phòng Dân tộc đã tới dự Tết Nhảy và chung vui cùng bà con thôn Hợp Sơn xã Ba Vì.
Đồng chí Nguyễn Đức Anh – Phó Chủ tịch UBND huyện cùng các đồng chí lãnh đạo Phòng Dân tộc tặng quà chúc mừng gia đình anh Trung tổ chức Tết nhảy năm nay
Tết Nhảy là nghi lễ đặc biệt quan trọng trong tục thờ cúng của người Dao. Đây là dịp tạ ơn các vị thánh thần, tổ tiên đã giúp đoàn thuyền của 12 dòng họ người Dao vượt qua hoạn nạn trên biển năm xưa để đến vùng đất mới. Và cũng là dịp cầu xin thần linh, tổ tiên phù hộ cho con cháu khỏe mạnh, làm ăn phát đạt…
Nét độc đáo trong tục thờ cúng của người Dao ở Ba Vì là chỉ những gia đình có bàn thờ tổ tiên hoặc đã hoàn thành các bước chuẩn bị lập bàn thờ thì mới được tổ chức Tết Nhảy. Để có bàn thờ tổ, người đàn ông dân tộc Dao phải trải qua lễ cấp sắc (công nhận tuổi trưởng thành), có bộ tranh thờ Tam Thanh đã được làm lễ khai quang… Nói cách khác, Tết Nhảy là nghi thức cuối cùng trong việc lập bàn thờ tổ tiên. Và không phải năm nào, gia đình người Dao cũng tổ chức Tết Nhảy, đồng nghĩa, gia chủ chỉ tổ chức Tết Nhảy vào năm đã hứa với tổ tiên. Khoảng cách các lần tổ chức Tết Nhảy của người Dao ở Ba Vì thường từ 15 đến 20 năm.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện tìm hiểu về bộ tranh thờ Tam Thanh để làm lễ khai quang tại nghi lễ cấp sắc đồng bào Dao
Tết Nhảy gồm 3 phần chính: Khai lễ, chính lễ và lễ tiễn đưa. Điều hành các phần lễ có thầy cúng, phụ các thầy cúng là những người đàn ông đã trải qua lễ cấp sắc. Trong phần khai lễ, thầy cúng sẽ lập đàn lễ, bày biện lễ vật, mời các thần linh, gia tiên về dự lễ. Phần chính lễ được xem là quan trọng nhất và có thời gian dài nhất. Phần này sẽ bắt đầu bằng lễ khai đàn và kết thúc bằng lễ chiêu binh. Xuyên suốt phần khai lễ và chính lễ, thầy cúng và những người phụ lễ vừa nhảy múa vừa hát kết hợp với tiếng kèn, chuông, trống, thanh la, não bạt rộn ràng. Nội dung câu hát, điệu nhảy kể lại quá trình vượt biển, tái hiện quá trình lao động, chiến đấu chống giặc giã, muông thú bảo vệ dân làng của các bậc tiền nhân.
Nét đặc sắc trong Tết nhảy là phần lễ và hội cùng đan xen nhau, những người hành lễ vừa cúng vừa múa và đọc thơ
Trước khi kết thúc phần lễ chính, thầy cúng làm nghi thức mời tổ tiên về chứng giám lòng thành của con cháu. Gia chủ sẽ hứa với các thần linh, tổ tiên sau bao nhiêu năm nữa sẽ lại tổ chức Tết Nhảy.
Năm nay, gia đình anh Triệu Quốc Trung là một trong 3 gia đình ở thôn Hợp Sơn hứa với thần linh, tổ tiên tổ chức Tết Nhảy. Để tổ chức Tết Nhảy, anh Trung phải nhờ người giúp đỡ việc nấu cỗ, người bóc giấy bản làm thành tiền lễ, người đẽo dao, kiếm làm đạo cụ phục vụ buổi lễ. Trước đó, gia đình anh đã chuẩn bị đủ nguyên liệu, thực phẩm để làm lễ và thết đãi dân làng. Trước khi tổ chức Tết Nhảy, anh đi nhờ chọn ngày đẹp; sau đó mời họ hàng, làng xóm đến giúp đỡ và dự tiệc chung vui.
Mặc dù Tết Nhảy là nghi lễ do một gia đình, một dòng tộc tổ chức nhưng được cả thôn bản tham gia với không khí náo nức, rộn ràng, giống như nghi lễ của cả cộng đồng. Những câu hát bằng tiếng Dao cổ, điệu nhảy như làm thức dậy vùng núi Ba Vì, khiến đất trời vào xuân trở nên tưng bừng và linh thiêng hơn.
Dự và chung vui với gia đình anh Triệu Quốc Trung và nhân dân thôn Hợp Sơn, đồng chí Nguyễn Đức Anh – Phó Chủ tịch UBND huyện tặng quà và chúc gia đình anh Trung và đồng bào Dao xã Ba Vì đón tết vui vẻ, đầm ấm. Đồng chí đề nghị xã Ba Vì và người tích cực giữ gìn và phát huy nét văn hoá truyền thống, các điệu múa, chữ viết và phong tục tập quán của người Dao. Huyện đang triển khai các bước để xây dựng xã Ba Vì trở thành điểm du lịch văn hóa, lễ hội, sinh thái kết hợp chăm sóc sức khỏe bằng các bài thuốc Nam của đồng bào dân tộc Dao". Điều này sẽ mang lại nhiều cơ hội cho người Dao phát triển kinh tế đi đôi với gìn giữ, phát huy nét văn hóa truyền thống cho vùng đất này.
Khuất Duyên
CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH
PHẦN MỀM TÁC NGHIỆP
Thông kê truy cập
Hiển thị thời tiêt
Hà Nội | |
Hải Phòng | |
Đà Nẵng | |
TP Hồ Chí Minh |