KINH TẾ - ĐÔ THỊ
Với sự quan tâm của UBND thành phố, sự nỗ lực của chính quyền huyện và các địa phương, những năm gần đây, huyện Ba Vì đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong phát triển hạ tầng. Hệ thống giao thông, công trình công cộng và các dự án trọng điểm tại Ba Vì được đầu tư bài bản, hiện đại. Những dự án này không chỉ nâng cấp kết nối giữa các vùng mà còn tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Cùng với phong trào xây dựng nông thôn mới, Ba Vì đang từng bước khẳng định vị thế, trở thành điểm sáng phát triển bền vững và hài hòa giữa đô thị và nông thôn.
Huyện Ba Vì đang nỗ lực trở thành điểm sáng phát triển bền vững và hài hoà giữa đô thị và nông thôn
Từ đầu nhiệm kỳ 2020 -2025, công tác đầu tư xây dựng cơ bản đã được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Thường trực Huyện ủy, Ban Thường vụ huyện ủy Ba Vì, cùng sự vào cuộc quyết liệt của các đơn vị, đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư công hàng năm sát với nhu cầu và định hướng của huyện, công tác chuẩn bị đầu tư được chú trọng triển khai, chất lượng ngày càng được nâng cao. Bên cạnh đó đã tranh thủ được nguồn lực đầu tư từ hỗ trợ của ngân sách Thành phố, các quận và nguồn đấu giá đất của huyện. Công tác kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công được thực hiện quyết liệt, thường xuyên. Tổng số vốn đầu tư công đã bố trí là 8.452.610 tỷ đồng cho 505 dự án, trong đó: nguồn NSTP là 792,095 tỷ đồng cho 09 dự án; nguồn TP hỗ trợ là 5.062,962 tỷ đồng cho 361 dự án; nguồn ngân sách huyện là 2,411,553 tỷ đồng cho 176 dự án; nguồn vốn các quận hỗ trợ là 249 tỷ đồng cho 09 dự án. Dự kiến năm 2025, tổng nhu cầu kế hoạch vốn là: 2.270 tỷ đồng, trong đó: Thành phố hỗ trợ là 1.900 tỷ đồng, ngân sách huyện là 650 tỷ đồng, quận hỗ trợ là 70 tỷ đồng. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công luôn đạt tỷ lệ cao so với mức trung bình của Thành phố: Năm 2021 đạt 88%, năm 2022 đạt 96,4% kế hoạch; năm 2023 đạt 96,6%; năm 2024 và 2025 phấn đấu đạt trên 95%.
Hạ tầng giao thông: Nâng cấp, mở rộng mạng lưới đường bộ
Hệ thống giao thông tại huyện Ba Vì đã được đầu tư mạnh mẽ nhằm kết nối thuận tiện giữa các xã, các khu dân cư và trung tâm huyện. Trong đó, nhiều tuyến đường từ trung tâm thị trấn Tây Đằng đến các xã lân cận được nâng cấp, mở rộng, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn và giảm ùn tắc; Hệ thống đường liên xã cũng được cải tạo với mặt đường nhựa hóa và bê tông hóa. Từ năm 2020-2023, hơn 50km đường liên thôn và ngõ xóm đã được bê tông hóa, đạt tỷ lệ 95% số thôn có đường kiên cố. Việc này không chỉ giúp người dân đi lại dễ dàng hơn mà còn thúc đẩy giao thương hàng hóa trong khu vực.
Hệ thống giao thông được nâng cấp, mở rộng góp phần thúc đẩy giao thương hàng hoá trong khu vực
Hiện tại, huyện Ba Vì đang triển khai nhiều dự án lớn nhằm nâng cấp và mở rộng hệ thống giao thông, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới. Một số dự án tiêu biểu bao như: Dự án mở rộng Quốc lộ 32. Tuyến đường từ Sơn Tây đến cầu Trung Hà được cải tạo với tổng chiều dài gần 14 km, chia làm hai giai đoạn: đoạn Sơn Tây - thị trấn Tây Đằng (5,9 km) và thị trấn Tây Đằng - cầu Trung Hà (7,8 km). Quy mô mặt đường được nâng cấp để kết nối giao thông vùng và tạo thuận lợi cho giao thương. Riêng đoạn qua thị trấn Tây Đằng dài 1,7 km đã được phê duyệt từ năm 2019 và đang trong giai đoạn thực hiện. Tổng mức đầu tư cho toàn dự án khoảng 1.023,5 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025; Dự án cải tạo, nâng cấp đường từ Tỉnh lộ 414 đi Vườn quốc gia Ba Vì. Tuyến đường dài 8,6 km kết nối từ TT.414 đến các điểm du lịch chính như Ao Vua, Thiên Sơn - Suối Ngà, hiện đang được nâng cấp từ mặt đường rộng 4,5 - 5,5 m lên tiêu chuẩn tốt hơn với tổng mức đầu tư hơn 300 tỷ đồng. Mục tiêu là cải thiện điều kiện giao thông và thúc đẩy du lịch địa phương. Nhiều tuyến đường nông thôn cũng được nâng cấp nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông và đạt chuẩn trong xây dựng nông thôn mới. Các dự án này tập trung vào việc đảm bảo kết nối giao thông thông suốt và an toàn. Các dự án này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông, mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương, đặc biệt là các ngành du lịch và nông nghiệp. Chính quyền huyện Ba Vì và các đơn vị liên quan cam kết đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, triển khai thi công đúng kế hoạch và đảm bảo chất lượng công trình.
Cùng với đó, huyện Ba Vì cũng đẩy mạnh đầu tư vào các dự án giao thông tại 7 xã miền núi nhằm cải thiện đời sống và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là người Mường và Dao. Những năm qua, nhiều công trình đã được triển khai với tổng mức đầu tư lớn, bao gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (2021-2022). Thành phố Hà Nội bố trí 384,5 tỷ đồng cho 29 dự án tại huyện Ba Vì, trong đó có các tuyến giao thông quan trọng. Tính đến cuối năm 2022, 7 dự án đã hoàn thành, 12 dự án thi công xong và 10 dự án chuyển tiếp trong năm 2023. Các tuyến đường đã thay thế đường đất nhỏ hẹp bằng các tuyến nhựa, đảm bảo giao thông bốn mùa. Các công trình giao thông không chỉ đáp ứng tiêu chí nông thôn mới mà còn giúp tăng năng suất lao động, kết nối giao thương, cải thiện điều kiện sống, mở ra cơ hội phát triển du lịch, kinh tế, đồng thời nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của người dân địa phương.
Xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia: Đầu tư cho giáo dục
Kiến thiết hạ tầng cơ sở, huyện Ba Vì đặt mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục thông qua việc xây dựng và cải tạo các trường đạt chuẩn quốc gia. Công tác quy hoạch trường lớp được quan tâm, đầu tư với 15 trường học được xây mới, diện tích 131.837m2, tổng kinh phí 806.319 triệu đồng; 72 trường, điểm trường được mở rộng khuôn viên với diện tích 410.028m2 . Số trường được cải tạo, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất: 88 trường với tổng kinh phí khoảng 2.150 tỷ. Hiện nay, toàn huyện có tổng số 1.987 phòng học kiên cố, tỉ lệ 99,2% (tăng 2,3% so với đầu nhiệm kỳ Đại hội), 100% các trường Tiểu học, THCS đã có phòng tin học. Các phòng học bộ môn, chức năng được trang bị đầy đủ thiết bị dạy học tối thiểu, trong 5 năm qua, UBND huyện đã đầu tư 53 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị dạy học từ lớp 1 đến lớp 12 đảm bảo cho việc giảng dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia được quan tâm chỉ đạo quyết liệt.
Trường THCS Tây Đằng được xây mới và cải tạo góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại khu vực trung tâm huyện
Đến năm 2024, tổng số trường đạt chuẩn quốc gia là 90/110 trường, đạt 81,8% (tăng 35,4% so với đầu nhiệm kỳ đại hội, đạt chỉ tiêu Đại hội đề ra 80- 85%), trong đó có 18 trường đạt chuẩn mức độ 2, đạt tỉ lệ 16,3%, tăng 17 trường (15,4%). Dự kiến đến hết năm 2025, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 86,4% (95/110 trường đạt chuẩn), trong đó tỷ lệ trường đạt chuẩn mức độ 2: 36,36% (40 trường). Một số dự án tiêu biểu như: Trường Mầm non Thái Hòa và Trường Tiểu học Thuần Mỹ được đặt mục tiêu đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 trong giai đoạn tới.Trường Tiểu học Phú Đông và Mầm non Minh Quang B là những dự án đã hoàn thiện phần lớn công trình cơ sở vật chất trong năm 2023; Trường THCS Tây Đằng và THCS Minh Châu được đầu tư lớn nhằm nâng cao chất lượng giáo dục tại khu vực trung tâm và xã đảo duy nhất của huyện.
Các công trình phục vụ xây dựng nông thôn mới: Đổi thay vùng quê
Từ năm 2021 đến nay, nguồn vốn ngân sách đầu tư cho xây dựng nông thôn mới tại huyện là: 6.816 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách thành phố hỗ trợ trực tiếp: 1.491 tỷ đồng, vốn lồng ghép: 4.673 tỷ đồng; ngân sách huyện: 650,7 tỷ đồng; ngân sách xã: 1,38 tỷ đồng. Tổng vốn huy động ngoài ngân sách là: 169 tỷ đồng, trong đó: ủng hộ bằng tiền mặt: 27,9 tỷ đồng, ngày công quy ra tiền: 1,7 tỷ đồng, bằng hiến đất quy ra tiền: 48,2 tỷ đồng, ủng hộ khác: 7,2 tỷ đồng; các nguồn vốn khác: 84 tỷ đồng; nguồn vốn các quận hỗ trợ: 308 tỷ đồng. Nguồn vốn được huy động tập trung xây dựng và hoàn thiện các tiêu chí về cơ sở hạ tầng như: giao thông, trường học, trụ sở, trạm y tế, trung tâm văn hóa - thể thao, nhà văn hóa thôn, hạ tầng nông nghiệp và phát triển sản xuất nông nghiệp,…
Diện mạo nông thôn Ba Vì ngày càng khởi sắc
Đặc biệt, ngoài nguồn vốn ngoài ngân sách, nguồn vốn do nhân dân đóng góp tập trung hoàn thiện hệ thống đường giao thông, thoát nước ngõ, xóm; tu bổ tôn tạo đình, đền, chùa. Huyện tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức huy động đóng góp, bằng các hình thức phù hợp, trên cơ sở phát huy dân chủ để người dân bàn bạc và tự nguyện đóng góp, không đóng góp theo hình thức bình quân. Người dân trực tiếp quản lý, giám sát, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn do mình đóng góp thông qua Ban phát triển thôn, Ban giám sát cộng đồng.
Đơn cử như từ việc kiến thiết hạ tầng xây dựng nông thôn mới, huyện Ba Vì đã và đang triển khai nhiều dự án trọng điểm góp nâng cao chất lượng đời sống dân sinh như: Cải thiện hệ thống nước sạch và thoát nước: Tính đến nay trên địa bàn huyện có 26/31 xã, thị trấn được cung cấp nước sạch, tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch đạt 89,8 %; Số hộ sử dụng nước sạch: 46.998 hộ/74.789 hộ, đạt 62,8 %. Các nhà văn hóa thôn được đầu tư xây dựng tại các xã trở thành nơi tổ chức các hoạt động cộng đồng và văn hóa. Với sự nỗ lực không ngừng, huyện Ba Vì đã khẳng định vai trò tiên phong trong xây dựng nông thôn mới, mang lại diện mạo hiện đại và khang trang cho vùng nông thôn. Những thành quả đạt được không chỉ là động lực phát triển mà còn là nền tảng để huyện tiếp tục phấn đấu vì mục tiêu phát triển bền vững.
Với mục tiêu tiếp tục hoàn thiện hạ tầng, ứng dụng công nghệ hiện đại và mở rộng các dự án phát triển trong tương lai, Ba Vì đang phấn đấu trở thành à một trong những huyện nông thôn mới kiểu mẫu của Hà Nội. Những nỗ lực đó không chỉ giúp nâng cao giá trị kinh tế mà còn thể hiện khát vọng vươn lên mạnh mẽ của một vùng đất giàu tiềm năng và truyền thống./.
Diệu Thu
CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH
PHẦN MỀM TÁC NGHIỆP
Thông kê truy cập
Hiển thị thời tiêt
Hà Nội | |
Hải Phòng | |
Đà Nẵng | |
TP Hồ Chí Minh |