DU LỊCH - LỄ HỘI

Huyện Ba Vì tăng cường công tác quản lý lễ hội năm 2024
Ngày đăng 03/02/2024 | 10:46  | Lượt xem: 243

Ba Vì là mảnh đất có bề dày lịch sử văn hóa, là nơi hội tụ, giao thoa, chắt lọc và lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống. Hiện nay, toàn huyện có tổng số 397 di tích, trong đó 137 di tích đã được xếp hạng. Trong số các di tích Đình - Đền thờ tại các địa phương có tới hơn 100 di tích thờ Tam Vị Tản Viên Sơn Thánh, còn lại là thờ các nhân vật lịch sử, các vị anh hùng có công lao to lớn trong công cuộc đấu tranh bảo vệ dân tộc.

Di tích lịch sử Quốc gia Đền Trung, xã Minh Quang, huyện Ba Vì, Hà Nội

Nhằm phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn, hàng năm vào dịp đầu Xuân các lễ hội được diễn ra bao gồm cả phần hội và phần nghi lễ truyền thống. Việc tổ chức lễ hội là một trong các hình thức tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được Nhân dân thờ phục, tôn vinh; Đồng thời bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc, tạo môi trường văn hóa lành mạnh, bổ ích, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của Nhân dân.

Theo đăng ký từ các địa phương, năm 2024, dự kiến toàn huyện có 76 lễ hội. Để tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội, đảm bảo trang trọng, an toàn, tiết kiệm, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 393/KH-UBND ngày 06/12/2023 về việc quản lý và tổ chức lễ hội năm 2024. Theo đó, UBND huyện yêu cầu các phòng, ban, ngành, UBND các xã, thị trấn thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy Hà Nội, Huyện ủy Ba Vì về công tác quản lý, tổ chức lễ hội. Đảm bảo việc quản lý và tổ chức lễ hội đúng quy định của pháp luật; phù hợp với thuần phong mỹ tục, các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân; bảo tồn phát huy các giá trị di sản văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và du lịch trên địa bàn huyện. Nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành và tổ chức lễ hội đảm bảo ý nghĩa, thiết thực và hiệu quả. Việc tổ chức lễ hội phải đảm bảo văn minh, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế địa phương và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, khơi dậy lòng tự hào, tinh thần yêu nước trong quần chúng Nhân dân. Các phòng, ban, ngành cần làm tốt công tác phối hợp theo chức năng nhiệm vụ để các lễ hội được diễn ra trang trọng, an toàn, ý nghĩa.

Đối với UBND các xã, thị trấn chủ động xây dựng kế hoạch chỉ đạo tổ chức và quản lý lễ hội năm 2024; Thực hiện thông báo, đăng ký tổ chức lễ hội theo Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; Tiến hành rà soát và tổng hợp, báo cáo công tác quản lý và tổ chức lễ hội theo quy định. Tăng cường các biện pháp nhằm ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội thu lợi bất chính; kiên quyết không để các hành vi chen lấn, tranh cướp, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc, cờ bạc trá hình, ăn xin, dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch...diễn ra trong lễ hội. Đồng thời xây dựng và triển khai các phương án bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho người tham gia lễ hội, có phương án xử lý kịp thời những tình huống phát sinh trong lễ hội. Tổ chức các phương án về trật tự an toàn giao thông, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình tổ chức lễ hội năm 2024.

UBND huyện thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các hoạt động tổ chức lễ hội, để kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, các hoạt động không lành mạnh trong lễ hội. Kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép; không để các đối tượng lợi dụng, lôi kéo đông người tại lễ hội để tuyên truyền, quảng bá các hoạt động có dấu hiệu tà đạo, mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh. UBND huyện yêu cầu các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nét đẹp văn hóa và ý nghĩa biểu trưng thực hành lễ hội đến cộng đồng và công chúng; kịp thời động viên, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp tích cực cho công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở việc thực hiện các nhiệm vụ được giao; phát hiện xử lý kịp thời và có biện pháp chấn chỉnh những trường hợp vi phạm.

Một số hình ảnh Lễ hội được tổ chức trên địa bàn huyện Ba Vì

Di tích lịch sử quốc gia Đền Trung, xã Minh Quang nằm ở vị trí đẹp, là điểm đến du lịch tâm linh nổi tiếng thu hút sự quan tâm của nhiều du khách

Hình ảnh rước kiệu lễ từ Đền Lăng Sương, huyện Thanh Thủy về Đền Hạ,xã Minh Quang, huyện Ba Vì trong Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh năm 2023

Nhân dân tổ chức dâng lễ tại Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh huyện Ba Vì năm 2023

Để mùa lễ hội năm 2024 trên địa bàn huyện diễn ra trang trọng, an toàn, tiết kiệm, tôn vinh được các giá trị văn hóa truyền thống, cần có sự chung tay của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ban ngành, đoàn thể và Nhân dân. Có như vậy các lễ hội sẽ được tổ chức đảm bảo đúng quy định; thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội, văn hóa tâm linh, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống phù hợp với thuần phong mỹ tục.

Lê Phượng

      (Phòng VHTT huyện)

TIN TỨC DU LỊCH - LỄ HỘI

Thông kê truy cập

Đang online: 255
Lượt truy cập trong tuần: 6774
Lượt truy cập trong tháng: 48899
Lượt truy cập trong năm: 588347
Tổng số lượt truy cập: 60856917

Hiển thị thời tiêt

Hà Nội
Hải Phòng
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh
Về đầu trang